Cạnh tranh khốc liệt
Thời gian gần đây, nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu nhận ra rằng, đã đến lúc không thể phụ thuộc vào một thị trường, mà cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Các nhà đầu tư đã bắt đầu dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác, thậm chí nhiều chính phủ còn hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dịch chuyển. Đứng trước làn sóng dịch chuyển đầu tư, nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh… cũng ngay lập tức công bố một loạt chính sách thu hút FDI mới. GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – cho rằng, Việt Nam không phải “một mình một chợ” trong cuộc đua thu hút FDI hiện nay.
Trong đó, Ấn Độ và Indonesia đang nổi lên là “điểm sáng”. Minh chứng rõ rệt là Ấn Độ đã tiếp xúc hơn 1.000 công ty của Hoa Kỳ và các quốc gia khác, đưa ra các ưu đãi đối với các DN đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc, chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch, hạ tầng để chào mời nhà đầu tư, nghiên cứu các chính sách miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư trong một số lĩnh vực ưu tiên, cam kết quỹ đất để thu hút FDI. Hay Indonesia đã giảm thuế, cam kết quỹ đất cho các nhà đầu tư, cam kết giữa các nhà lãnh đạo cấp cao về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt gần đây, thông tin Apple đang cân nhắc tạm ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam và Samsung chuyển sản xuất từ Việt Nam sang Ấn Độ đã cho thấy sự cạnh tranh thu hút FDI đang rất khốc liệt.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam để đầu tư |
Chuẩn bị điều kiện tốt nhất
Dù đứng trước áp lực cạnh tranh lớn, song Việt Nam vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu năm, dịch Covid-19 tác động nặng nề, nhưng vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh tại Việt Nam vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019, với mức tăng lần lượt là 6,6% và 22,2%.
Hiện đã có Google và Microsoft (Hoa Kỳ) đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi đó, Hoa Kỳ xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng. Hãng Panasonic (Nhật Bản) cũng sẽ chuyển nhà máy đến Hà Nội để thành trung tâm sản xuất máy giặt và máy lạnh lớn nhất tại Đông Nam Á.Hay mới đây, trong số 30 DN Nhật Bản được nhận trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản thông qua Chương trình tăng cường chuỗi cung ứng ở nước ngoài, có tới 15 DN đăng ký mở rộng đầu tư sang Việt Nam.
Để hóa giải thách thức và tận dụng những cơ hội trên, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho rằng: Trước mắt, Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón cả “đại bàng” và “chim sẻ” theo đúng tinh thần của Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, bên cạnh ổn định kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thích hợp, cần chuẩn bị quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế và nguồn lao động sức cạnh tranh… để đón đầu làn sóng dịch chuyển này.
Sau khi nhiều tập đoàn đa quốc gia quyết định đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Đông Nam Á được coi là điểm đến hấp dẫn. Các nước trong khu vực nhận thức rất rõ điều này và đang nỗ lực để thu hút FDI. |