Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt: Không thể chậm trễ

Để gạo Việt được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa và gia tăng cơ hội xuất khẩu, ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cho rằng, cần xác định thị trường mục tiêu và tích cực xây dựng thương hiệu gạo Việt bằng chất lượng, uy tín, an toàn.
“Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai”Cơ hội quảng bá, phát triển thương hiệu gạo Việt NamCơ hội nâng tầm gạo Việt
\"xay
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trao đổi với các cơ quan truyền thông tham dự Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam 2018

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường

\"xay

Xuất khẩu gạo duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm 2018 nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Dự kiến, năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 3,2-3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu năm 2018 và những những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ sản xuất gạo theo quy trình sạch, hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, đóng gói; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng.

Bộ Công Thương cũng tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường mặt hàng gạo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu gạo Việt Nam tại những thị trường truyền thống, tiềm năng; làm việc với các kênh phân phối gạo tại thị trường nhập khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Ông Seang Dara – Giám đốc Công ty First Packaging Partner (Campuchia): Bài học thương hiệu

\"xay

So với Việt Nam, mặt hàng gạo của Campuchia mới nổi gần đây. Sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn với 500.000 tấn năm 2017. Tuy nhiên, ngành gạo của Campuchia đang có một vị trí khá ổn định, thâm nhập được nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Có được thành công này do Campuchia biết cách làm thương hiệu thông qua chọn một vài dòng sản phẩm chất lượng cao để tập trung sản xuất chứ không làm đại trà. Campuchia xác định mục tiêu khách hàng là ai, giá thành không quan trọng mà quan trọng là tạo sự tin tưởng về chất lượng, an toàn. Doanh nghiệp gạo Campuchia có lợi thế làm việc chuyên nghiệp, nhiệt tình, chân thành.

Ngoài ra, việc đầu tư cho bao bì, thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng rất quan trọng. Doanh nghiệp tập trung đầu tư cho bao bì thì cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất tích cực. Hiện, bao bì gạo Việt Nam đã có cải thiện so với trước nhưng vẫn hạn chế. Tại nhiều quốc gia, mặt hàng gạo chất lượng đôi khi không bằng gạo Vịệt Nam nhưng giá của họ luôn cao gấp đôi do bao bì đẹp, ấn tượng và thân thiện hơn. Do đó, theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm, đầu tư cho bao bì sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới.

Ông Đặng Phước Hải – quản lý Nhà máy Xay xát Phước Đạt JSC: Doanh nghiệp cần hỗ trợ về vốn

\"xay

Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn do giá gạo Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia… vì vậy, khó thâm nhập và cạnh tranh ở những thị trường tiềm năng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng gạo Việt Nam đủ sức có chỗ đứng tại nhiều thị trường, bởi chất lượng của gạo Việt Nam không thua bất cứ nước nào. Điều quan trọng chính là sự đồng lòng, chung sức của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu về vốn vay ưu đãi, bảo vệ doanh nghiệp trước sự cạnh tranh không lành mạnh… Trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt, vai trò của doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ để nâng cao hơn nữa chất lượng, cải thiện mẫu mã gạo là quan trọng, thay vì sản xuất theo cách truyền thống như trước đây.

Ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách: Ổn định chất lượng gạo Việt

\"xay

Chúng ta xuất phát từ gạo hàng hóa nên thương hiệu không có, chất lượng không tốt, khó cạnh tranh trên thế giới. Thời gần đây, do giá trị gia tăng không cao, lợi nhuận thấp nên nhiều doanh nghiệp chuyển sang làm gạo hữu cơ, gạo sạch theo yêu cầu khách hàng, phối hợp nhà sản xuất nước ngoài. Từ đó, bắt đầu hình thành một số thương hiệu gạo Việt Nam, dù quy mô còn nhỏ nhưng chất lượng đang được khẳng định.

Hiện nay, có hai xu hướng xây dựng thương hiệu. Thứ nhất, một số doanh nghiệp Việt phối hợp với doanh nghiệp lớn trên thế giới để xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Thứ hai, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chính trong thị trường nội địa. Theo tôi, đây là bước tiến trong tương lai, đúng hướng vì chúng ta không thể duy trì mô hình như trước đây. Để định vị thương hiệu gạo Việt, ta phải dựa trên chất lượng, sự ổn định từ sản xuất đến đóng gói xuất khẩu.

Ông Martin Albani - chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế: Xây dựng chỉ dẫn địa lý để bảo hộ thương hiệu gạo

\"xay

Trên thế giới, Thái Lan là một quốc gia xây dựng thương hiệu gạo tốt. Tuy nhiên, Việt Nam không nhất thiết phải đi theo Thái Lan, nhưng những hướng đi của họ có thể là bài học kinh nghiệm quý báu.

Thành công của gạo Thái Lan do họ luôn áp dụng chỉ dẫn địa lý trên thương hiệu gạo. Theo đó, chỉ dẫn địa lý được làm ở cấp quốc gia, sau đó được bảo hộ ở thị trường châu Âu và thị trường thế giới. Mặt khác, chất lượng phải được kiểm soát và liên tục nâng lên. Điều này sẽ làm mất chi phí nhưng nên làm vì theo một khảo sát, người tiêu dùng nước ngoài cho rằng họ sẵn sàng bỏ tiền ra để được sở hữu sản phẩm được chứng nhận có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Nhóm phóng viên
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận