Tác động của dịch Covid - 19 đối với nền kinh tế: Trong thách thức có cơ hội

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những tác động và ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đến nền kinh tế Việt Nam năm 2020, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - cho rằng, trong thách thức bao giờ cũng có cơ hội, và mỗi doanh nghiệp (DN) cần đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu.

"Đại dịch" Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam. Theo đó, bất kỳ sự gián đoạn nào từ phía Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước, vậy ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

tac dong cua dich covid 19 doi voi nen kinh te trong thach thuc co co hoi

Có thể nói là dịch Covid-19 tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam. Bởi tác động của khá đa chiều, lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, có 3 lý do cơ bản nhất để nhìn nhận về mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đối với nền kinh tế.

Trên thực tế, tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang giảm tốc, giờ lại bị bồi tiếp dịch Covid- 19, nên mức độ giảm tốc có thể cao hơn và tác động mạnh mẽ đến tổng cầu kinh tế thế giới, các đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam. Sau đó, Covid-19 làm gián đoạn các chuỗi giá trị, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến do các công ty, nhà máy sản xuất không chỉ ở Vũ Hán, mà ở toàn Trung Quốc đang trong tình trạng ngưng trệ. Mặt khác, các chuỗi sản xuất bị chặn bởi những kết nối, giao thương để tạm thời chống dịch. Trong khi đó, rất nhiều lĩnh vực của Việt Nam đều phụ thuộc đầu vào trong chuỗi cung ứng đó. Quan trọng hơn là sự gián đoạn, lo ngại của người tiêu dùng, điều này sẽ tác động lớn đến lĩnh vực du lịch – dịch vụ.

Theo tính toán sơ bộ bước đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 còn phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo và khả năng khống chế dịch Covid-19. Do vậy, kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể giảm từ 0,5% đến gần 1% so với mục tiêu đề ra là 6,8%.

[WIDGET_VIDEO:::1625]

Nhiều ý kiến cho rằng, Covid-19 cũng là cơ hội để nền kinh tế thay đổi tích cực, hướng về thị trường nội địa. Vậy theo ông, để chuyển hướng được, chúng ta cần có những giải pháp gì?

Trước mắt, việc hạn chế sự lây lan nguy cơ đối với con người cũng như dập được dịch là mục tiêu hàng đầu. Nhưng bài toán khó ở đây là, làm sao vừa cứu người, vừa dập dịch, nhưng lại có thể giảm thiểu được những tác động bất lợi đối với sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế. Chúng ta đã thấy được sự vào cuộc nhanh chóng của các bộ, ngành và những kịch bản ở các cấp độ khác nhau để đối phó với tác hại của Covid-19 tới nền kinh tế hiện nay. Đó là các DN dù ở tầm vĩ mô hay vi mô đều phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Luôn chủ động liệt kê những loại hình rủi ro và cách thức giải quyết vấn đề ngay từ bước lập kế hoạch, tránh bị động trong mọi hoàn cảnh chứ không chỉ riêng dịch Covid-19 lần này. Như vậy, vấn đề quản trị rủi ro phải được đặt lên hàng đầu.

tac dong cua dich covid 19 doi voi nen kinh te trong thach thuc co co hoi
Covid-19 tác động đa chiều đến nền kinh tế trong nước

Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều FTA, đây là một cơ hội để chúng ta tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt liên quan đến thương mại, du lịch, đầu tư và cả logistics... Chẳng hạn, đối với xuất khẩu (XK) nông sản, vài năm gần đây do đòi hỏi cao từ phía Trung Quốc nên chúng ta đã nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của các hàng hóa nông sản. Đây là một tín hiệu tốt đối với XK sang thị trường Trung Quốc trong dài hạn và càng tốt cho việc đi tìm kiếm các thị trường khó tính hơn. Cùng với đó là xu thế hiện nay, người tiêu dùng yêu cầu lối sống, cách mạng tiêu dùng xanh hơn. Mà trong "cơn bão" dịch này, chúng ta thấy chuyển đổi số được mọi người nhắc rất nhiều như: Làm việc online, học online, mua bán hàng online… để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bênh. Vì vậy, trong "nguy" bao giờ cũng có "cơ".

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Bộ Công Thương trong việc tháo gỡ những khó khăn cho XK nông sản và quản lý thị trường những ngày gần đây?

Tôi nghĩ rằng, Bộ Công Thương có vai trò rất lớn bên cạnh những bộ, ngành khác. Chúng ta có thể thấy rõ, Covid-19 có tác động rất lớn đến thương mại, xuất nhập khẩu, đến chuỗi giá trị trong sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, XK nông sản, đảm bảo nguồn hàng đối với một số sản phẩm có nhu cầu cao. Theo đó, nhờ nắm bắt thông tin thị trường, người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã rất quyết liệt, chủ động, đưa ra nhiều giải pháp bình ổn thị trường, hạn chế những tác động bất lợi từ dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng - Trang Cương (thực hiện)
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận