Quy hoạch cụm công nghiệp của Bến Tre đến năm 2020: Khó vì thiếu vốn

Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Bến Tre đến năm 2020 đang chậm tiến độ và có nguy cơ khó hoàn thành. Nguyên nhân được xác định là thiếu vốn cho hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN.

Theo Quy hoạch phát triển CCN tỉnh đến năm 2020, Bến Tre sẽ có 12 CCN, tuy nhiên đến cuối năm 2019 mới có 10 CCN đã được thành lập, tỷ lệ lấp đầy chưa cao, chỉ khoảng 34 % diện tích đất công nghiệp.

quy hoach cum cong nghiep cua ben tre den nam 2020 kho vi thieu von

Ưu tiên nguồn vốn vào những cụm công nghiệp có khả năng lấp đầy nhanh

CCN – Tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm đã được đầu tư xây dựng đường giao thông trục chính từ năm 2012 nhưng đến nay mới thu hút 6 dự án đăng ký đầu tư; trong đó chỉ một nửa số dự án có nhà máy đi vào hoạt động, còn lại đang hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng. Tương tự, CCN thị trấn An Đức, huyện Ba Tri với diện tích trên 35,5 ha cũng mới có 9 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 7 cụm đã đi vào hoạt động, 2 cụm đang xây dựng nhà xưởng.

Các CCN đã được thành lập còn lại, số lượng dự án đăng ký sản xuất kinh doanh cũng không cao, như CCN: Long Phước, huyện Châu Thành với 3 dự án; Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc 1 dự án; Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam 3 dự án; Cảng An Nhơn, huyện Thạnh Phú 1 dự án…

Theo đánh giá từ Sở Công Thương Bến Tre, tình hình triển khai quy hoạch phát triển CCN của tỉnh đến năm 2020 đang bị chậm và gặp nhiều vướng mắc, trong đó vốn là bài toán khó. Ngân sách của tỉnh hiện không đủ để đền bù giải phóng toàn bộ mặt bằng CCN áp dụng theo hình thức cuốn chiếu. Có nghĩa, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thì thỏa thuận tạm ứng vốn trước để đền bù giải phóng mặt bằng trong phần diện tích được thuê, tạo đất sạch và tiến hành xây dựng nhà máy, triển khai sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do người dân không đồng tình với đơn giá quy định của nhà nước, dẫn đến thời gian giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp rất chậm.

Cũng bởi thiếu vốn, các địa phương trong tỉnh chưa chủ động triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN, đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung… nhằm đảm bảo đầy đủ hồ sơ, thủ tục cần thiết theo đúng quy định để đăng ký vốn đầu tư của tỉnh, trung ương. Mặt khác, do giá đền bù giải phóng mặt bằng cao dẫn đến suất đầu tư hạ tầng quá lớn, hạ tầng ngoài hàng rào các CCN phần lớn chưa có hoặc yếu kém nên khó kêu gọi đầu tư…

Với những trở ngại trên, việc hoàn thành quy hoạch phát triển 12 CCN trong năm 2020 của Bến Tre là rất khó. Để giải quyết vấn đề này, theo Sở Công Thương tỉnh, huy động và sử dụng hợp lý nguồn vốn là giải pháp quan trọng đầu tiên. Theo đó, tỉnh ưu tiên nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN, tập trung vào những cụm có khả năng lấp đầy nhanh, những CCN nhằm tạo mặt bằng di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đang nằm trong khu dân cư.

Sở Công Thương cũng đề nghị các huyện cân đối nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, phối hợp với các ban, ngành liên quan xác định thứ tự ưu tiên đầu tư hạng mục một cách khoa học, có giải pháp hỗ trợ hợp lý, nhằm tăng cường thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và tăng tỷ lệ lấp đầy tại các CCN.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tập trung phát triển hạ tầng các khu, CCN, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước và hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường; xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu, CCN… nhằm hoàn thành mục tiêu Đề án phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020 và hướng đến năm 2030.

Tính đến cuối năm 2019, Bến Tre đã thành lập 10 CCN, trong đó 9 cụm đã được quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 337,28 ha, thu hút 23 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 4.561,25 tỷ đồng.
Hải Linh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận