Luật PPP: Cần nhưng phải thận trọng!

Trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp thì hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) là xu thế tất yếu. Thực tế, các dự án PPP đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; tuy nhiên qua nhiều năm triển khai, hình thức đầu tư PPP đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là khung khổ pháp lý.

Đến nay đã có 336 dự án PPP được triển khai, trong đó 140 dự án BOT được thực hiện. Tuy nhiên, do hình thức đầu tư PPP mới chỉ được quy định ở cấp nghị định và có sự chồng chéo với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, gây phức tạp, rủi ro trong quá trình triển khai dự án, làm giảm tính hấp dẫn của hình thức đầu tư này.

luat ppp can nhung phai than trong
Rất ít dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thu hút được nhà đầu tư nước ngoài

Số liệu thống kê năm 2017, cả nước có khoảng 58% số dự án PPP chỉ định nhà đầu tư, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nhà đầu tư không đủ năng lực. Trong khi đó, nhiều bộ, địa phương chưa chủ động đề xuất các dự án khả thi để thực hiện đầu tư theo hình thức PPP; dự án PPP đưa ra đấu thầu chưa nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Cùng đó, các dự án PPP chưa được quy hoạch và chuẩn bị hợp lý, được đề xuất riêng rẽ bởi các ngành, địa phương. Do vậy, nhiều vấn đề, vướng mắc đã nảy sinh khi xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện, vận hành dự án khiến nhiều quyết định được đưa ra thiếu chính xác; không ít công trình đầu tư theo hình thức PPP có chi phí đầu tư cao, chưa tương xứng với chất lượng và lợi ích mà các dự án này mang lại. Đặc biệt, rất ít dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, làm hạn chế một nguồn vốn quan trọng và khiến Việt Nam không tiếp cận được những công nghệ tiên tiến và phương thức quản lý hiện đại.

Nhằm khắc phục hạn chế, phát huy hiệu quả của hình thức đầu tư PPP, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì xây dựng Luật PPP. Trong phiên họp của Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội thẩm tra dự án Luật PPP, ông Nguyễn Đức Trung - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT - nhấn mạnh, do tính chất phức tạp và dài hạn của mô hình đầu tư PPP, việc tạo môi trường pháp lý ổn định, không chồng chéo là cần thiết, khẳng định sự quan tâm, cam kết của nhà nước khi thực hiện dự án PPP, tạo sức hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của nhà đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các luật khác là cần thiết.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo sẽ đối mặt với nhiều “bài toán khó” cần phải thận trọng xem xét như việc bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác trên cơ sở dẫn chiếu cụ thể, hay quy mô của dự án PPP. Theo dự thảo Luật PPP, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Tuy nhiên, thống kê thực tế cho thấy, gần 70% dự án PPP đã thực hiện có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng.

Vậy các dự án PPP ở địa phương quy mô dưới 200 tỷ đồng có áp dụng luật này không? - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị làm rõ. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chỉ ra rằng, dự thảo Luật PPP đang thiên về điều chỉnh dự án, trong khi hợp đồng PPP mới quan trọng...

Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng Luật PPP, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 và thông qua kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020.
Hoàng Châu
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận