Lãi suất ngân hàng: Tùy thuộc cung cầu vốn

Sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi, khu vực doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tín dụng tăng trưởng khá và thu ngân sách nhà nước vẫn vượt dự toán… là những nét chấm phá đầy ấn tượng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong gần năm qua.
\"\"
Mức lãi suất hiện đã trở về bằng lãi suất năm 2005-2006

Trái phiếu Chính phủ “hồi sinh”

Trong báo cáo kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2015, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đánh giá: Mặc dù tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát (so với cùng kỳ năm trước) ở mức xấp xỉ 0% (0,34%), nhưng lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở khoảng 2-3%. Trong bối cảnh tổng cầu tăng trưởng tốt thì lạm phát thấp không phải tình trạng thiểu phát mà do giá hàng hóa thế giới và chi phí sản xuất giảm. Bởi 9 tháng năm 2015, chỉ số giá bán sản phẩm của hàng sản xuất hàng công nghiệp giảm 0,74% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính đến giữa tháng 11/2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 13,98% so với cuối năm 2014, đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại quý III/2015 đạt 31,9% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2012, trong đó, đầu tư khu vực kinh tế tư nhân tăng khá, chiếm 37,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Điều đáng nói là phát hành trái phiếu Chính phủ đã có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực trong tháng 11 nhờ đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu và điều chỉnh lợi suất trái phiếu phù hợp. Lần đầu tiên, sau 1 năm đã diễn ra phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành. Phiên phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm đã thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và đạt tỷ lệ trúng thầu 100%, 6.000 tỷ đồng đã được bán hết tại mức lãi suất 5,9%/năm. Nhu cầu của thị trường đối với kỳ hạn 3 năm hiện vẫn tương đối lớn. Thị trường cổ phiếu cũng có thanh khoản tích cực, tăng 9% so với tháng 10 và đạt bình quân xấp xỉ 2.300 tỷ đồng/phiên.

Từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, NFSC dự báo: Tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt và vượt dự toán nhờ nguồn thu nội địa bù đắp cho thu từ dầu thô.

Sẽ có phương án phù hợp điều hành lãi suất

Với mức lạm phát tăng thấp như nhiều tháng qua, một số ý kiến cho rằng, lãi suất ngân hàng nên được xem xét điều chỉnh hạ để các doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều hành lãi suất phải dựa trên căn cứ về kinh tế vĩ mô tổng thể, tiền tệ, tỷ giá…, trong đó lạm phát chỉ là một yếu tố, chính sách lãi suất cũng phải phù hợp với xu hướng của lạm phát trong tương lai. Bà Hồng dẫn giải: So với thời điểm cuối năm 2011, đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh nhờ các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước điều hành từ miễn giảm lãi, giảm mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới… Mức lãi suất hiện đã trở về bằng lãi suất năm 2005 -2006 là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định mức lãi suất trần, còn tùy theo tình hình cung – cầu vốn trên thị trường, bản thân các ngân hàng thương mại vẫn có thể tiếp tục hạ thấp lãi suất so với trần đã có. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát tình hình diễn biến nền kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có phương án điều hành phù hợp cũng như có chính sách cụ thể để thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Lũy kế đến ngày 15/11/2015, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 807,04 nghìn tỷ đồng, bằng 88,6% dự toán, tăng 6,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 đạt 97,1% dự toán, tăng 15,5%). Trong đó, thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu so với dự toán lần lượt đạt 93,7%; 62,8% và 83,3%. Mặc dù, thu từ dầu thô giảm nhưng được bù đắp bởi thu nội địa nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 ước đạt 927,5 nghìn tỷ đồng, vượt 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so với cùng kỳ 2014.
Duy Minh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận