![]() |
Hành động quyết liệt không để Ủy ban châu Âu rút thẻ đỏ đối với hải sản Việt Nam |
Sáng 3/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng thủy sản từ EC. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.
Khởi động chương trình chống IUU quá muộn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám - cho biết, sau hơn 8 tháng (kể từ khi EC cảnh báo thẻ vàng ngày 23/10/2017), với sự nỗ lực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng trong việc chống khai thác IUU. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt.
Về thực hiện IUU, nhiều địa phương đã có những hành động quyết liệt. Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Từ năm 2017-2018, đặc biệt khi có cảnh báo của EC, chúng ta đặc biệt lưu ý đến bảo vệ nguồn lợi, tuyên truyền ngư dân đánh bắt đúng quy định, cấm đánh bắt huỷ diệt, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử phạt thậm chí khởi tố các vụ việc tàu thuyền vi phạm khi đánh bắt hải sản. Tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt trên 1.000 vụ việc liên quan đến đánh bắt không đúng quy trình, đã ký cam kết 100% với ngư dân, chủ tàu về việc đánh bắt đúng ngư trường đúng quy trình. Về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tỉnh Quảng Ninh đã lắp đặt 40% thiết bị hành trình cho tàu cá….
Bên cạnh những việc làm được, một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tính từ ngày 23/10/2017 đến nay đã xảy ra 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Ngoài ra còn có 48 vụ/77 tàu/589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ…
Kết luận cuối cùng của Đoàn Thanh tra EC trong tháng 5/2018 cho thấy, mặc dù Chính phủ và các Bộ ngành rất nỗ lực trong việc khắc phục thẻ vàng của EC nhưng tình hình triển khai tại các địa phương còn chưa được cải thiện đáng kể.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh - phát biểu tại hội nghị |
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh - cho rằng, chúng ta đã khởi động chương trình chống IUU quá muộn. Thực tế, Chương trình IUU đã manh nha từ năm 2002, đến năm 2008 EC đã tham vấn WTO về vấn đề này. Từ 1/1/2010, khi quy định này có hiệu lực, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin cho Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017 - sau khi hải sản Việt Nam bị đưa ra cảnh báo thẻ vàng của EC thì chúng ta mới nhìn nhận một cách nghiêm túc vấn đề này.
Chống khai thác hải sản bất hợp pháp là nhiệm vụ hàng đầu
Đại diện Bộ Ngoại giao cho hay, việc gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC đối với hải sản Việt không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các cơ chế về thương mại trong các hiệp định thương mại tự do.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, Thái Lan đã mất nhiều năm và nhiều công sức nhưng vẫn chưa rút được thẻ vàng, khả năng Việt Nam rút được thẻ vàng ngay là khó nhưng phải nỗ lực để không bị nâng lên thành “thẻ đỏ”. Việc tháo gỡ thẻ vàng này, đòi hỏi phía Việt Nam không chỉ tác động vào các cơ quan chuyên môn của EU mà cần làm việc với các tổ chức kinh tế, chính trị của EU, đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại để EU thấy được thái độ tích cực và trách nhiệm của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, IUU có 3 cấu phần: chữ I đầu là chống đánh bắt bất hợp pháp, chữ U thứ nhất là không báo cáo, chữ U thứ hai là không được quản lý. Trong thời gian qua, dường như các tỉnh mới chỉ chú trọng đến chữ I, vì vậy, để tháo gỡ thẻ vàng, trong thời gian tới, các địa phương nên tham gia mạnh mẽ hơn chữ U đầu tiên, nghĩa là phải truy xuất được nguồn gốc hải sản, phải ghi chép nhật ký rõ ràng, đồng thời tham gia tích cực vào chữ U thứ hai.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, sau khi EC cảnh báo thẻ vàng, các Bộ, ngành, địa phương đã có những hành động tích cực. Theo đó, cơ bản đã nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU trong Luật Thuỷ sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU đã được quan tâm thực hiện. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt. Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có tiến bộ; công tác hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản có nhiều nỗ lực tích cực.
Tuy nhiên, việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp chưa thực hiện triệt để, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá chưa được thực hiện thường xuyên và chưa xử lý nghiêm theo quy định; công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác còn hạn chế…
Vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành địa phương liên quan quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ, không để EC rút thẻ đỏ. Đồng thời, coi đây là cơ hội để sắp xếp, tái cấu trúc lại ngành thuỷ sản. Bộ NN&PTNT tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến thuỷ sản và quản lý khai thác hải sản trong đó có việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Xây dựng, ban hành và thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng mà Việt Nam vừa gia nhập, bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời, hoàn thành việc gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc….
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Bài học kinh nghiệm của 10 nước đã được EC gỡ “thẻ vàng” và 3 nước được EC gỡ “thẻ đỏ” cho thấy, các nước này đầu tư nguồn lực rất lớn, thậm chí cải tổ bộ máy quản lý về thủy sản. |