Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài tổng số vốn là 432,1 triệu USD, tăng 23,5% so với năm 2017; trong đó, có 149 dự án đầu tư mới, tổng vốn đăng ký là 376,1 triệu USD và 35 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn tăng là 56 triệu USD.
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam năm 2018 thực hiện tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là quốc gia dẫn đầu tiếp nhận vốn đầu tư Việt Nam với 81,5 triệu USD (chiếm 18,8%), thứ hai là Australia 55,5 triệu USD (12,8%), thứ ba là Mỹ 52,9 triệu USD (12,2%), tiếp đến Campuchia, Slovakia, Cuba… Xét theo lĩnh vực, trong năm 2018, lĩnh vực tài chính - ngân hàng dẫn đầu vốn đầu tư ra nước ngoài với 105,7 triệu USD; thứ hai là bán buôn, bán lẻ 82,9 triệu USD; thứ ba là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 52,3 triệu USD.
![]() |
Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài tổng số vốn khoảng 22 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Đầu tư ra nước ngoài đã và đang góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, mang lại một nguồn doanh thu bằng ngoại tệ đáng kể cho đất nước, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam với thế giới, góp phần mở rộng thị trường các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam hạn chế được các hàng rào bảo hộ thương mại tại các thị trường nhận vốn đầu tư Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có khoảng gần 1.200 dự án đầu tư ra nước ngoài ở địa bàn khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng số vốn đăng ký hoạt động khoảng 22 tỷ USD. Trong đó, có gần chục doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài với số vốn hàng tỷ USD. |
Tuy nhiên, tại cuộc Tọa đàm “Đầu tư ra nước ngoài: Các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật”, diễn ra ở Hà Nội ngày 10/1/2019, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn “bỡ ngỡ” trước các vấn đề luật pháp và thông lệ kinh doanh quốc tế, luật pháp cũng như phong tục, tập quán, văn hóa của người bản địa. Do không nắm bắt được kỹ càng, thiếu thông tin về thị trường, pháp luật quốc tế, văn hóa bản địa… nên trong quá trình đầu tư, kinh doanh một số dự án gặp nhiều khó khăn, rủi ro, không thể đạt được hiệu quả kinh tế như mong đợi.
Bà Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Dak Lak, chia sẻ: Đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh khác biệt ngôn ngữ, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu các điều kiện nắm bắt, hiểu biết đầy đủ và bao quát những quy định về pháp lý, môi trường đầu tư, kinh doanh nước sở tại, cũng như luật pháp và các thông lệ kinh doanh quốc tế, thiếu thông tin để đánh giá những rủi ro về văn hóa, tập quán của người dân bản địa.
Một số ý kiến cho rằng, để đầu tư ra nước ngoài phát huy hiệu quả hơn, các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam cần hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường, pháp luật, văn hóa bản địa… cho các doanh nghiệp. Cần có những công cụ hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro khi gặp phải trong quá trình đầu tư ra nước ngoài. Định kỳ tổ chức tiếp xúc giữa đại diện Chính phủ, các đại sứ quán, lãnh sự quán, thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài với các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để nắm bắt, xử lý kịp thời, hiệu quả các vướng mắc, khó khăn cũng như các nhu cầu cần được hỗ trợ của doanh nghiệp hoạt động đầu tư ở nước ngoài...