Chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ
Theo Cục Thống kê Hà Nội, nhờ chủ động triển khai các giải pháp cấp bách kiểm soát dịch bệnh và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, IIP tháng 7/2021 của Hà Nội ước tính tăng 1% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tương ứng tăng 9,5% và tăng 7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tương ứng tăng 0,8% và tăng 4,3%; khai khoáng tương ứng giảm 1,9% và tăng 2%.
![]() |
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 của Hà Nội ước tính tăng 1% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước |
Tính chung 7 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng năm 2020 tăng 4%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,8%; khai khoáng tăng 3%.
Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành đạt mức tăng cao như: Sản xuất xe có động cơ tăng 22,6%; sản xuất trang phục tăng 22%; sản xuất đồ uống tăng 17,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 15%; sản xuất thuốc lá tăng 13,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 13%; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11%.
Cũng theo Cục thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,73% so với tháng trước, tăng 2,15% so với tháng 12/2020 và tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 1,3% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 7/2021, có 5/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Trong đó, cao nhất là nhóm giao thông tăng 2,3% (tác động làm tăng CPI chung 0,23%) do trong tháng, giá xăng, dầu điều chỉnh tăng vào ngày 12/7/2021 và giảm nhẹ vào ngày 27/7/2021 (giá xăng tăng 7,07%; dầu diezen tăng 6,96%). Tiếp theo là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,09% (tác động làm tăng CPI chung 0,42%) do giá gas đun, giá dầu tăng mạnh; bên cạnh đó, miền Bắc vẫn nắng nóng làm sản lượng tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao khiến chỉ số giá điện tăng 6,76%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,3%, chủ yếu là tăng ở nhóm thực phẩm (tăng 0,48%) do một số mặt hàng như trứng, các loại rau khô chế biến và rau, củ vụ đông tăng giá (giá thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm ổn định)….
Tính chung, trong 7 tháng năm nay, một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao so với bình quân cùng kỳ: Nhóm giao thông tăng 6,32%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,12%; giáo dục tăng 2,71%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,57%...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7% so với tháng trước
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với tháng trước và giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng trước và giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 2,3 nghìn tỷ đồng, giảm 8,5% so với tháng trước và giảm 54,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 178 tỷ đồng, giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 78,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 9,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% và giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại Siêu thị Big C Thăng Long |
Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 329,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 225,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng mức và tăng 5,8%.
Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 25,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,7% và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,7% và giảm 43,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác đạt 75,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,1% và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, trong đó có địa bàn Hà Nội với nhiều ca nhiễm mới xuất hiện ngoài cộng đồng, số lượng các điểm phong tỏa do dịch liên tục tăng. Thành phố khẩn trương áp dụng các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó với dịch. Từ 0h ngày 13/7/2021, dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ chỉ cho phép bán hàng mang về.
Tuy nhiên, diễn biến dịch ngày càng phức tạp, ngày 18/7/2021 UBND thành phố có công điện yêu cầu dừng tất cả các hoạt động dịch vụ không thiết yếu; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu. Ngày 24/7/2021, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 trong 15 ngày trên phạm vi toàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về xuất khẩu, theo Sở Công Thương Hà Nội, lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội ước đạt 8.518 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 3.129 triệu USD, giảm 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2.761 triệu USD, tăng 23,7%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng tăng so với cùng kỳ là điện thoại và linh kiện đạt 205 triệu USD, tăng gần 2 lần; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 401 triệu USD, tăng 35,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 850 triệu USD, tăng 30,6%;…
Riêng trong tháng 7, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội ước đạt 1.411 triệu USD, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 878 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 533 triệu USD, giảm 8,4% và tăng 0,3%.