WTO khởi động đàm phán về cung ứng vắc xin Covid

Ngày 09/6 vừa qua, các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán chính thức về kế hoạch tăng cường cung cấp vắc xin COVID-19 cho các nước đang phát triển, trong bối cảnh phải đối mặt với sự tranh cãi về việc có từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ hay không?

Nam Phi và Ấn Độ, được sự ủng hộ của nhiều quốc gia mới nổi, đã thúc đẩy việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin và các phương pháp điều trị khác trong 8 tháng. Điều này có thể cho phép các nhà sản xuất địa phương gia tăng sản xuất và là điều cần thiết để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về nguồn cung hiện nay.

Các quốc gia phát triển, nhiều nơi đặt trụ sở của các công ty dược phẩm lớn, đã phản đối đề xuất này, cho rằng việc miễn trừ sẽ không thúc đẩy sản xuất và có thể làm suy yếu các nghiên cứu và phát triển trong tương lai về vắc xin và phương pháp điều trị. Liên minh châu Âu đã đưa ra một kế hoạch, với sự ủng hộ của Anh, Thụy Sĩ và Hàn Quốc, mà họ cho rằng sẽ mở rộng nguồn cung một cách hiệu quả hơn. Các quy định hiện hành của WTO cho phép các quốc gia cấp giấy phép cho các nhà sản xuất ngay cả khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế. Các thành viên WTO đã nhất trí bắt đầu thảo luận vào ngày 17/6 để xác định hình thức đàm phán và đưa ra báo cáo nêu rõ tiến độ của họ về kế hoạch cung cấp vắc-xin trước ngày 21-22/7, khi Đại hội đồng WTO họp.

Trước động thái của WTO, cố vấn sở hữu trí tuệ toàn cầu Leena Menghany của nhóm viện trợ y tế không biên giới (MSF), cho biết đây là một bước đột phá lớn - sau tám tháng đình trệ. Một sự thay đổi bất ngờ của Mỹ vào tháng trước khi đưa ra ủng hộ việc miễn trừ đã gây áp lực lớn lên các đối thủ, nhưng các quan chức thương mại của Washington dường như ủng hộ việc miễn trừ chỉ giới hạn đối với vắc xin. Đề xuất miễn trừ từ các quốc gia mới nổi cũng bao gồm chẩn đoán, trị liệu và thiết bị y tế. Đề xuất đó, có văn bản đã được sửa đổi vào tháng 5, cũng đặt ra một khoảng thời gian "ít nhất là ba năm" và có thể cho phép một thành viên WTO duy nhất kéo dài thời hạn đó vô thời hạn.

Mỹ cho biết vẫn đang xem xét đề xuất sửa đổi, nhưng phản ứng ban đầu của họ là đó chỉ là một thay đổi khiêm tốn so với ban đầu, mà các thành viên WTO đã không đạt được sự đồng thuận cần thiết. Nước này cho biết rằng các cuộc thảo luận cần một "phạm vi sửa đổi" và các thành viên WTO nên tập trung vào những hành động nào có thể cần thiết để giải quyết việc cung cấp và phân phối vắc xin một cách cụ thể và trong các lĩnh vực có nhiều khả năng được người khác chấp nhận càng sớm càng tốt.

Việt Dũng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận