![]() |
Hội thảo quốc tế “Viễn cảnh Đông Nam Bộ” năm 2018, thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học, các cơ quan khoa học và giáo dục danh tiếng trong nước và quốc tế |
Hội thảo có nhiều phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào nội dung như: Giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; Chính sách - Quản lý - Kinh tế; Văn hóa xã hội; đồng thời có 2 phiên đối thoại chung với chủ đề: Trường đại học với Cách mạng công nghiệp 4.0 và Giáo dục đại học với doanh nghiệp.
Với 18 báo cáo khoa học trên nhiều lĩnh vực được trình bày tại các tiểu ban cùng nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung bàn thảo đa chiều về những vấn đề quan trọng, mang tính cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là vùng TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Các đại biểu đã phân tích sâu sắc những tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ cấu lao động và thị trường lao động; thách thức của nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung, ở vùng TP. Hồ Chí Minh nói riêng khi đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; về vai trò của trường đại học, của doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới.
![]() |
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đối thoại tại hội thảo |
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng bàn thảo luận về các giải pháp đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với công tác đào tạo - giải pháp then chốt để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050. Vùng TP. Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía nam: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, trong đó TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân.
Phạm vi vùng TP. Hồ Chí Minh có tổng diện tích 30.404 km², bán kính ảnh hưởng từ 150–200 km. Đến năm 2030, dân số vùng đô thị này dự kiến từ 24 - 25 triệu người, dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 75%. Tầm nhìn đến năm 2050, vùng đô thị này sẽ có 28 - 30 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 25 - 27 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%.
Trong mục tiêu phát triển, vùng TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao, trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.
![]() |
GS.Nantana - ASEAN University Network chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại hội thảo |
Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực trong vùng TP. Hồ Chí Minh nói riêng chưa bắt kịp với sự phát triển của khoa học, công nghệ. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có khoảng 86% lao động trong ngành dệt may và giày dép có nguy cơ bị mất việc làm. Đặc biệt, lao động trong các ngành nghề truyền thống và lao động thủ công là lực lượng lao động có nguy cơ gánh chịu nhiều rủi ro nhất khi bị thay thế bởi những hệ thống máy móc tự động hóa.
Từ thực tế trên, các đại biều cho rằng, việc học tập kinh nghiệm của thế giới nói chung, các nước trong khu vực châu Á nói riêng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề rất quan trọng; qua đó, gợi ý mô hình và giải pháp phù hợp trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Đông Nam Bộ, hướng tới phát triển bền vững vùng TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tiễn từ các nước châu Á trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, nói chung, ở vùng TP. Hồ Chí Minh nói riêng, mà còn là địa chỉ thuận lợi để các trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài tìm kiếm sự hợp tác, liên kết hoạt động lâu dài.