Có nhiều lý do khiến Nga đặc biệt quan tâm tới châu Phi. Với diện tích chiếm 1/5 toàn cầu, dân số 1,4 tỷ người và vẫn đang tăng nhanh, châu Phi thực sự là thị trường khổng lồ đầy tiềm năng. Về địa chiến lược, châu Phi có vị trí chiến lược đặc biệt giữa Ấn Độ Dương và Nam Đại Tây Dương. Khu vực này có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đang được rất nhiều quốc gia chú ý tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhận định châu Phi đang trở thành một trung tâm quyền lực mới với vai trò chính trị và kinh tế ngày càng tăng.
Hiện Nga đang tăng cường phát triển quan hệ hợp tác với châu Phi dựa trên quan điểm tôn trọng, cân bằng lợi ích của các nước. Mối quan hệ giữa hai bên ngày càng tốt đẹp. Nga hỗ trợ các nước châu Phi bảo đảm lương thực, phân bón và các nguồn năng lượng, cũng như thực hiện những dự án thúc đẩy phát triển quốc tế.
“Đòn bẩy” vũ khí
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), trong giai đoạn 2014-2019, Nga đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Phi. Thậm chí, Nga đã cung cấp gần một nửa số trang thiết bị (49%) được bán cho các nước trên lục địa này. Algeria và Ai Cập hiện là 2 khách hàng châu Phi lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
![]() |
Phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần II tại St. Petersburg. Ảnh: RIA Novosti |
Trên thực tế, với Algeria, Ai Cập và Angola, Điện Kremlin đã trở lại những đối tác cũ từ thời Liên Xô. Algeria cho đến nay là đầu ra lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga ở châu Phi. Năm 1996, Nga đã xóa cho Luanda 70% khoản nợ từ thời Xôviết, lên tới 4,5 tỷ Euro. Năm 2019, Luanda đã ký thỏa thuận cung cấp hơn 20 máy bay chiến đấu SU-35 với số tiền 2 tỷ USD.
Vào đầu những năm 2000, 16 quốc gia châu Phi (trong tổng số 54 quốc gia) đã mua vũ khí từ Nga. Các nước châu Phi nặng ký - Nam Phi, Nigeria và Kenya - vẫn là những đối tác đáng tin cậy. Mối quan hệ giữa Nga và Bờ Biển Ngà cũng trở nên bền chặt và thân thiện kể từ khi Nga cử các phái đoàn đến quốc gia châu Phi này. Tchad cho đến nay chỉ có hợp tác quân sự thuần túy liên quan đến huấn luyện. Angola cũng có quan hệ đối tác chiến lược với Nga, ngoài các máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-30, sự hợp tác còn bao gồm việc bảo trì thiết bị quân sự và đào tạo chuyên gia.
Ngoài nghị định thư với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) hồi tháng 6/2017 về điện hạt nhân dân sự, Uganda cũng đồng thời có quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Nước này đã mua được máy bay chiến đấu T-90 và Sukhoi Su-30.
Bên cạnh đó, Zimbabwe ký một hợp đồng khai thác mỏ bạch kim trị giá hàng tỷ USD, dự kiến tạo ra 8.000 việc làm tại địa phương, từ đó tăng cường mối quan hệ quân sự với Moscow.
Nam Phi, thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS), có các quan hệ chặt chẽ với Nga về chính trị, kinh tế, văn hóa và lương thực, đã tranh thủ Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 vào tháng 7/2018 tại Johannesburg để ký bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật quân sự với Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), một trong những tổ chức có ảnh hưởng nhất ở châu Phi và quy tụ 16 quốc gia. Quân đội của nhiều quốc gia SADC đã được trang bị các thiết bị của Nga.
Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Nga đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự từ năm 1999. Họ cũng nhất trí về quan hệ đối tác trong lĩnh vực khai thác mỏ, năng lượng và nông nghiệp. Bên lề Diễn đàn quân sự 2018, Burundi đã ký kết các hợp đồng cung cấp máy bay trực thăng chiến đấu.
Ngoài các thỏa thuận về điện hạt nhân dân sự, các lĩnh vực khai thác mỏ và năng lượng, tháng 2/2024, Sudan đã ký với Moscow thỏa thuận quân sự nhằm tăng cường các năng lực quân sự. Tháng 11/2020, Moscow đã bật đèn xanh cho dự án thành lập cho Đông Phi một căn cứ quân sự thường trực tại cảng Sudan, cho phép tiếp nhận đến 4 tàu chiến và 1 lực lượng đồn trú gồm 300 người.
Liên quan đến Mozambique, nước này cũng có thỏa thuận hợp tác quân sự và kỹ thuật với Nga.
Về phần mình, tháng 8/2017, Burkina Faso đã ký với Nga một thỏa thuận với các điều khoản dẫn đến việc Nga hỗ trợ đất nước này trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và 3 mỏ vàng đã được nhượng cho công ty Nordgold của Nga.
An ninh là ưu tiên hàng đầu
Mối đe dọa khủng bố thực sự là ưu tiên hàng đầu của Nga trong hợp tác với châu Phi. Moscow tự hào có nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến chống khủng bố, với các vũ khí và phương tiện tình báo tinh vi. Không chậm trễ, Guinea Xích Đạo có một thỏa thuận với Nga mà các điều khoản chưa được tiết lộ, cho phép các tàu chiến Nga được tự do ra vào và tiếp nhiên liệu tại các cảng của nước này.
![]() |
Các đại biểu tham dự diễn đàn kinh tế Nga-châu Phi. Ảnh: RIA Novosti |
Guinea có một ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học và thương mại với Nga. Sau chuyến thăm của Tổng thống Alpha Conde tới Nga vào tháng 9/2017, 2 nước đã ký 8 thỏa thuận hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc xây dựng các đồn quân sự.
Niger đã nối lại mối quan hệ trước đây với Moscow, đối tác quan tâm nhiều hơn đến uranium của nước này khi Orano, công ty khai thác mỏ Imumaren, đang chuẩn bị từ bỏ mỏ này. Tháng 1/2024, Niamey đã công bố mong muốn tăng cường hợp tác quân sự với Nga, điều này sẽ mang lại cho Nga phương tiện để tác động chính sách di cư đến châu Âu khi Mỹ rời căn cứ Agadez.
Tại Eritrea, Nga có ý định đầu tư nghiêm túc và biến quốc gia này thành cầu nối đến Ethiopia. Nga duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực vùng Sừng châu Phi và Biển Đỏ. Nhưng ở Djibouti, giống như Trung Quốc có căn cứ ở đó từ tháng 10/2017, Nga đang tìm cách xây dựng căn cứ hải quân.
Tương tự, ở Madagascar, Nga đang đầu tư vào lĩnh vực y tế, nhưng mong muốn cắm chân tại cảng Toamasina để có thể tiếp cận Ấn Độ Dương. Tại Comoros, 2 nước đã ký vào tháng 2/2015 thỏa thuận hợp tác liên quan đến lĩnh vực an ninh, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố. Từ những kết quả trên, có thể đếm được khoảng 15 thỏa thuận hợp tác quân sự và kỹ thuật giữa Nga và châu Phi.
Ngoài ra, Nga có căn cứ ở Cộng hòa Trung Phi, bao gồm cả Bria và Ouata ở vùng Đông Bắc, nằm trong khu vực giàu kim cương. Trên thực tế, Moscow đã đa dạng hóa quan hệ hợp tác ở châu Phi, dựa vào các đối tác truyền thống, tình hữu nghị do ý thức hệ trước đây mà Moscow đã phục hồi dưới các hình thức khác, chẳng hạn như trường hợp của Algeria, Ethiopia, Sudan.
Trên phương diện thương mại, vấn đề tìm kiếm đầu ra trong các lĩnh vực khác mà Nga có khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong thăm dò địa chất, khai thác nguyên liệu thô và lĩnh vực hạt nhân dân sự công nghệ cao. Giống như các cường quốc khác có mặt ở châu Phi, việc nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên châu Phi cũng là ưu tiên hàng đầu của Nga. Thực vậy, dù đúng là Nga sở hữu phần lớn trữ lượng tài nguyên khoáng sản và dầu khí của thế giới, nhưng nước này vẫn cần các khoáng sản như mangan, bauxite, crom và coltan.
Theo Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi, Benedict Oramah, thương mại giữa Nga và châu Phi đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015, đạt khoảng 20 tỷ USD mỗi năm vào năm 2021. Nga đã xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 14 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD các sản phẩm châu Phi. Nguyên liệu thô chiến lược được đặc biệt quan tâm. Rusal khai thác bauxite, nguồn nhôm ở Guinea và tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga khai thác uranium ở Namibia.