![]() |
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án sử dụng vốn ODA của TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ chậm tiến độ khi phần vốn ODA chưa được bố trí kịp thời |
Báo cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2017, thành phố cần 5.200 tỷ đồng chi cho thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Tuy nhiên phần vốn ODA mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phân bổ chỉ được 2.900 tỷ đồng. Việc bố trí vốn ODA kịp thời cho TP. Hồ Chí Minh càng trở nên cấp bách khi mới đây dự án tuyến Metro số 1 có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ đến sau năm 2020 khi phần vốn ODA chưa được trung ương bố trí kịp, dẫn đến không có tiền thanh toán cho nhà thầu, kéo theo khả năng nhà thầu ngừng thi công. Được biết, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Theo Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam - Fujita Yasuo, quy định của Việt Nam, kể cả đối với nguồn vốn ODA, việc giải ngân không chỉ theo tiến độ thực hiện dự án mà còn phải phụ thuộc vào tổng số vốn được phân bổ cho toàn bộ dự án và cho từng năm cụ thể. Vì lý do đó mà từ tháng 8-9/2016 một số dự án đã phải ngừng chi trả cho nhà thầu mặc dù vẫn có tiến độ trên công trường. Đến tháng 1/2017, khi ngân sách cho năm 2017 được phân bổ thì việc chi trả cho nhà thầu đã được tiếp tục, tuy nhiên xảy ra tình trạng rất nhiều dự án không được phân bổ đủ vốn theo tiến độ dự kiến. Vì thế phía JICA đang yêu cầu Chính phủ Việt Nam sớm phân bổ thêm ngân sách.
Trước thực tế này, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA tại TP. Hồ Chí Minh, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 48/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh, trong đó quy định huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển của thành phố. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/6/2017 để áp dụng từ năm ngân sách 2017.
Theo đó, việc bố trí vốn đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn thành phố được thực hiện theo nguyên tắc: đối với dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách thành phố, Chính phủ cho thành phố vay lại hoặc cấp phát một phần. Thành phố bố trí vốn đối ứng từ ngân sách để trả gốc, lãi phần vay đúng hạn…
Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương, UBND thành phố lập dự án kèm theo đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, để sử dụng có hiệu quả quỹ đất thuộc thành phố quản lý, UBND thành phố được tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn vay theo quy định cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn vay.