Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến thời điểm này, Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn khác nhau. Toàn bộ số vắc xin đã tiếp nhận được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch.
![]() |
Mọi người dân sẽ được tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 trên nguyên tắc công bằng |
Thực hiện chủ trương, chiến lược vắc xin của Chỉnh phủ, từ năm 2020, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước. Dự kiến, sẽ có khoảng 124 triệu liều từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam tới cuối năm 2021 từ nguồn hỗ trợ của Chương trình giải pháp tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 toàn cầu 38,9 triệu liều; Bộ Y tế đàm phán trực tiếp mua vắc xin của Pfizer/BioNTech 31 triệu liều; mua vắc xin của AstraZeneca 30 triệu liều; Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik-V của CHLB Nga và sẽ hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều cho Bộ Y tế; vắc xin do Chính phủ Nga, Trung quốc, Nhật Bản, Đại sứ quán các nước... hỗ trợ khoảng 3,5 triệu liều.
Do nguồn cung khan hiếm trên toàn thế giới, nên 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam mới nhận được hơn 3,8 triệu liều vắc xin. Trong tháng 7 này dự kiến sẽ tiếp nhận hơn 8,8 triệu liều vắc xin.
Một lần nữa lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, toàn bộ số vắc xin tiếp tục được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch. Trước mắt, sẽ ưu tiên phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành phố có dịch, địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư... để bảo đảm đạt được mục tiêu "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Thời gian tới, tùy thuộc vào số lượng, chủng loại từng đợt vắc xin được tiếp nhận, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ theo nguyên tắc nêu trên, báo cáo Thủ tướng, đảm bảo sử dụng vắc xin an toàn, hiệu quả và độ bao phủ tiêm chủng, để giảm nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tăng nặng bệnh, giảm tử vong. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…; bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong khu công nghiệp… nhằm bảo vệ an toàn các “pháo đài” từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Để chiến dịch tiêm vắc xin đạt hiệu quả, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tổ chức tiêm chủng đảm bảo khoa học, đúng quy trình. Đặc biệt, trong thời gian tới, số lượng vắc xin về nhiều, các đơn vị sẽ xây dựng tốt kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Hiện nay, Việt Nam đang được cung ứng 4 loại vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm. Mỗi loại vắc xin, Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng quốc gia đã có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về yêu cầu bảo quản, vận chuyển và thực hành tiêm chủng từng loại. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi người sau khi tiêm vắc xin tuyệt đối không được chủ quan mà luôn phải thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K+ vắc xin