Tiêu thụ nông sản: Khai thác bền vững thị trường nội địa

Năm 2020 đi qua, đại dịch Covid-19 đã tác động rất khó khăn đến xuất khẩu nông sản. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa tiếp tục khẳng định là một “miền đất” đầy tiềm năng, các doanh nghiệp cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể, bài bản, để khai thác hiệu quả, bền vững trong dài hạn.

Xuất khẩu vượt khó

Thị trường nội địa nhiều tiềm năng cho nông sản. Ảnh NQ

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong năm 2020, giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới vẫn đạt mốc trên 41 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu đạt sản lượng khoảng 6,1 triệu tấn, với giá trị kim ngạch trên 3,11 tỷ USD. Tuy không tăng trưởng về khối lượng xuất khẩu, song giá trị gạo xuất khẩu năm 2020 vẫn tăng 9,3% so với năm 2019. Đặc biệt, trong tháng 9/2020, Việt Nam đã xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang thị trường EU theo lộ trình cam kết EVFTA, với giá trị lần đầu tiên gạo Việt Nam đạt mức trên 1.000 USD/tấn.

Ngoài xuất khẩu gạo, trong năm 2020, một số sản phẩm nông sản, rau quả cũng đã xuất khẩu khá tốt nhờ các cấp, ngành, doanh nghiệp cùng chung tay nỗ lực vượt khó. Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, để xuất khẩu các mặt hàng nông sản hoa quả, các doanh nghiệp đã chú trọng chế biến sâu. Năm 2020, trên cả nước đã có 20 nhà máy chế biến nông sản lớn đi vào hoạt động, góp phần quan trọng giải quyết đầu ra cho nông dân.

Ông Đinh Cao Khuê - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) - cho biết, năm 2020, công ty đã đẩy mạnh chế biến sâu sản phẩm, nhờ vậy, sản lượng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến của Doveco tăng hơn 200% so với 2019. Hiện Doveco cũng đang đầu tư chế biến rau chân vịt tại khu vực phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Trong năm 2021, một đối tác Nhật Bản đã ký hợp đồng với Doveco nhập khẩu 500 tấn rau quả chế biến, họ đánh giá chất lượng tốt, đồng thời khẳng định, nếu Doveco đáp ứng được năng lực và cách thức cung ứng phù hợp, thì trong những năm tới, họ sẽ nhập với khối lượng lớn hơn gấp nhiều lần.

Xúc tiến thương mại nông sản tại thị trường trong nước. Ảnh NQ

Triển vọng tiêu thụ nội địa

Từ định hướng vĩ mô cũng như thực tiễn đều cho thấy, thị trường nội địa là một mảnh đất còn đầy tiềm năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản bên cạnh khai thác thị trường xuất khẩu, cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể, bải bản để khai thác hiệu quả, bền vững thị trường nội địa trong dài hạn.

Bên cạnh xuất khẩu, một số doanh nghiệp cũng đã thực sự chú trọng khai thác thị trường nội địa. Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê, cho biết: Sau 19 năm chỉ xuất khẩu, năm 2020, Tập đoàn Phúc Sinh đã quay về khai phá thị trường trong nước. Để tiếp cận người tiêu dùng trong nước, ngoài chất lượng đảm bảo, Tập đoàn Phúc Sinh đã chú trọng đến cả hình thức, mẫu mã, bao bì, tiện ích, cho ra thị trường các sản phẩm cà phê phin giấy, cà phê hòa tan... phù hợp nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng. Đồng thời, tận dụng hiệu quả thương mại điện tử, trang web, phần mềm ứng dụng để bán hàng… do chính Phúc Sinh tự phát triển. Nhờ vậy, từ con số doanh thu nội địa năm 2019 chỉ đạt 9 tỷ đồng, năm 2020, doanh thu tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa của Phúc Sinh tăng gấp gần 7 lần so với 2019, đạt 62 tỷ đồng. Theo ông Phan Minh Thông, người tiêu dùng trong nước bây giờ đã rất chịu chi cho các sản phẩm hàng hóa có giá trị tốt, chất lượng cao, bao bì đẹp.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường, cho biết: Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ, khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa qui mô lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế (xuất khẩu) đối với những ngành hàng có thế mạnh (sữa, thịt lợn, thịt gà…), ngành nông nghiệp sẽ chú trọng khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng miền, địa phương (sản phẩm OCOP), các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là nhóm các mặt hàng tuy sản lượng sản xuất không quá lớn, nhưng chất lượng lại rất cao, có thể phục vụ rất tốt cho nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa với 100 triệu dân đầy tiềm năng, cũng như phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch… trong và ngoài nước.

Ngọc Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận