Tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa qua, các đại điểu HĐND thành phố đã thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2021 và các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022.
![]() |
Covid - 19 không những tác động tiêu cực đến kinh tế Đà Nẵng mà còn làm bộc lộ những điểm yếu của kinh tế thành phố về khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động của thiên tai, dịch bệnh |
Đa số các đại biểu thảo luận và thống nhất kịch bản về kịch bản phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2022 theo kịch bản trung bình và chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng 6-7%; thu ngân sách nhà nước phấn đấu vượt 3-5% số thu năm 2021.
Đặc biệt, các đại biểu HĐND thành phố đề nghị thành phố nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu kinh tế phù hợp trong tình hình mới, đảm bảo thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19. Trong đó, điều chỉnh cơ cấu tỷ trọng nội bộ từng ngành trong từng lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đảm bảo phù hợp, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với thiên tai, dịch bệnh và hướng đến sự phát triển bền vững trong thời gian đến.
Trên thực tế, kết quả phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng năm 2020 và 2021 – thời điểm dịch Covid – 19 xuất hiện đến nay, đã cho thấy sự thiếu bền vững và bộc lộ nhiều điểm yếu, thiếu khả năng chống chịu với các thảm họa như thiên tai, dịch bệnh.
Năm 2020, kinh tế TP. Đà Nẵng đã rơi vào trạng thái tăng trưởng âm, kinh tế thành phố bị kéo lùi, âm 9,77%, quy mô toàn nền kinh tế thành phố bị kéo lùi về 3 năm (tổng sản phẩm trên địa bàn trở về tương đương năm 2017).
Năm 2021, thành phố đặt mục tiêu GRDP tăng trưởng 6%. Mặc dù đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid – 19, tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid – 19 tăng mạnh “kìm chân” kinh tế phát triển.
![]() |
Bán lẻ hàng hóa tăng trưởng 4% so với năm 2020 đã giúp giá trị gia tăng khu vực thương mại - dịch vụ Đà Nẵng thoát tăng trưởng âm, đạt tăng trưởng 1,18%. |
Theo UBND TP. Đà Nẵng, GRDP thành phố năm 2021 tăng 0,18% so với năm 2020. Không đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 6%. Trong đó, hầu hết các chỉ số kinh tế thành phần đều không đạt mục tiêu, thậm chí tăng trưởng âm.
Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng 1,18% so với năm 2020 hoàn toàn nhờ vào tăng trưởng của lĩnh vực thương mại bán lẻ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa Đà Nẵng năm 2021 ước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch, mặc dù không đạt mục tiêu tăng 10%, nhưng đây là nhóm ngành tăng trưởng duy nhất trong lĩnh vực dịch vụ. Ngoại trừ thương mại bán lẻ, thì dịch vụ lưu trú, lữ hành và doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đều giảm với mức giảm lần lượt là 43,2% và 7,3%.
Giá trị gia tăng khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản đều giảm so với năm 2020, với mức giảm tương ứng là 2,08% và 3,29%. Việc tụt giảm ở cả 2 lĩnh vực này đều có tác động rõ nét và chủ yếu của dịch Covid – 19. Trong đó, ở sản xuất công nghiệp, dù chủ động thích ứng thực hiện “3 tại chỗ” tuy nhiên, doanh nghiệp chịu nhiều sức ép về tăng chi phí sản xuất, thiếu lao động, tăng chi phí nguyên liệu đầu vào…; các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải ngừng thi công trong thời gian cao điểm Covid – 19. Trong lĩnh vực nông, lâm – thủy sản, dịch Covid – 19 cũng khiến cảng cá Thọ Quang liên tục tạm dừng hoạt động…
Điểm sáng lớn nhất trong kinh tế Đà Nẵng chính là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa. Dù ảnh hưởng của dịch Covid – 19, song với nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu đơn hàng tồn trong năm, có kế hoạch sản xuất thích ứng với điều kiện kinh doanh mới và nhu cầu thị trường, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn duy trì mức tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 ước đạt 1.810 triệu USD, tăng 15,4% so với năm 2020 vượt (KH: tăng 6-7%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.397 triệu USD, tăng 12,4% (KH: tăng 5-6%).
Theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2030, GRDP thành phố tăng trưởng trung bình 12%/năm.
Tuy nhiên, với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội không lạc quan trong 2 năm 2021 và 2022, việc TP. Đà Nẵng cần nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu kinh tế có tính thích ứng, chống chịu là cần thiết và phù hợp để có thể tăng cơ hội tiến gần mục tiêu tăng trưởng mà Nghị quyết 43 đã đề ra.
![]() |
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nhất của kinh tế Đà Nẵng năm 2021 |
Theo các đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng, thành phố cần quan tâm hơn trong đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistic, nguồn nhân lực phục vụ phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch gắn với dịch vụ chữa trị bệnh theo mô hình “Du lịch - Sức khỏe”.
Đa dạng hơn nữa các hình thức xúc tiến đầu tư vào thành phố, cụ thể: Nghiên cứu mở rộng diện tích sản xuất trong Khu Công nghệ cao để thu hút, nâng cao hiệu quả đầu tư; chú trọng thu hút đầu tư đối với các dự án đảm bảo về tiêu chí, tiêu chuẩn công nghệ cao, công nghệ nguồn. Tiếp tục quan tâm tháo gỡ vướng mắc về đất đai. Khẩn trương xây dựng và hoàn thành phương án đưa vào vận hành, khai thác Cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án động lực, trọng điểm, quan trọng có tác động kích thích, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố....
Ngoài ra, cần thực hiện hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, dẫn đến điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cần cân nhắc trong việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án mới, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát triển của từng lĩnh vực, từng ngành, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng…