Động lực quan trọng từ kinh tế tư nhânNâng cao vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế |
Ngày 28/10, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn về Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 với chủ đề “Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, DN ngoài nhà nước đến năm 2030”.
![]() |
Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp và cá nhân thể hiện nguyện vọng, chung tay với Đảng và Chính phủ hiến kế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Hội thảo cũng giúp phát hiện thêm những vấn đề mới đang đặt ra cho Việt Nam từ bối cảnh phát triển mới, nhất là đối với những vấn đề lớn, và gợi mở ra hướng giải quyết một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là hoạt động quan trọng, có tính gợi mở và cầu thị để tiếp nhận những ý kiến đóng góp hướng phát triển của nền kinh tế trong 10 năm tới.
Theo đó, chú trọng, nhận diện, huy động và phát huy các nguồn lực phục vụ DN, nhân lên sức mạnh của cộng đồng DN tư nhân cũng như khắc phục, hạn chế những tồn tại, bất cập thời gian qua...
“Hội thảo sẽ thu nhận được những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, các trường đại học, các chuyên gia và nhất là đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam về quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, DN ngoài nhà nước - khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển đất nước - trong thời kỳ chiến lược 2021-2030”- ông Nguyễn Văn Vịnh mong muốn.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam - cho rằng, việc tổ chức tham vấn là hoạt động quan trọng, tích cực và nhằm phát huy quan điểm, ý kiến nhiều chiều trong quá trình soạn thảo chiến lược nói trên nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Hiện nay, DN tư nhân đã và đang tham gia đầu tư xây dựng các công trình lớn, thay đổi diện mạo đất nước. Đặc biệt, một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã và đang góp phần làm mới “chân dung” đất nước như Sungroup với sân bay Vân Đồn, Vingroup với Vinfast, THACO,… Thậm chí, DN tư nhân đã tham gia vào những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi.
Nhiều DN tư nhân lớn đã thực hiện nhiều công trình lớn, phức hợp về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước, đặc biệt làm thay đổi bộ mặt hạ tầng như sân bay Vân Đồn, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng...
Đặc biệt, có những DN tư nhân đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài với quy mô vốn ngày càng tăng. Theo báo cáo đầu tư ra nước ngoài năm 2019, có 2 doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài với vốn đăng ký vượt 1 tỉ USD, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng với Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) và Công ty cổ phần Golf Long Thành. Bên cạnh đó, số lượng dự án quy mô vừa và nhỏ tăng dần…
Mặc dù DN tư nhân và khu vực DN nói chung đã khẳng định được vai trò, vị trí trong xây dựng và thực hiện Chiến lược, song theo TS. Nguyễn Thị Luyến – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đóng góp của DN tư nhân vào GDP rất hạn chế. Hầu hết DN tư nhân có quy mô nhỏ, với 98,8% DN tư nhân thuộc diện vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ….
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng “không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông DN tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, ở môi trường kinh doanh và sự bảo vệ của luật pháp khiến nhiều người tham gia kinh doanh chỉ nhằm mưu sinh và chỉ dám làm cầm chừng, cốt cho “đủ ăn” hơn là dám làm lớn hay làm ăn dài hạn.
Bởi vậy, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng trong nền kinh tế trong giai đoạn tới, “có rất nhiều việc phải làm từ cả phía nhà nước và phía doanh nghiệp”. “Về phía Nhà nước, cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Đây là tiền đề số một và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới. Còn với khu vực kinh tế tư nhân, việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong mấy thập niên tới”- bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất nên nhất quán gọi là khối kinh tế tư nhân, bao gồm cả hộ kinh doanh cá thể (sẽ có Luật điều chỉnh riêng), hợp tác xã, kinh tế tập thể trong thống kê. Như thế mới đúng là đóng góp khoảng 45%. Trong khi đó, theo dự thảo văn kiện hiện vẫn chưa nhất quán đóng góp của khối này, có chỗ 45,7% GDP, có chỗ 43%. Vì vậy, dự thảo không nên quá nặng nề câu chữ, mà cần là động lực quan trọng.
Ngoài ra, hiện nay đã có Nghị quyết 10-NQ TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên sau 3 năm triển khai có 3 chỉ tiêu/6 chỉ tiêu mới đạt được. “Cần đánh giá trên cơ sở rút kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết trung ương 10 vừa qua để đưa vào chiến lược trong 10 năm tới. Ngoài ra, việc thực thi Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng cần triển khai thực chất hơn”- ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.