Đó là khuyến nghị của PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi nói về vị trí và vai trò của doanh nhân trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại như Nghị quyết Trung ương số 23-NQ/TW đã nêu.
![]() |
PGS.TS Vũ Minh Khương chia sẻ 8 xu thế toàn cầu và 7 vấn đề doanh nghiệp cần thực hiện để chuyển đổi số thành công |
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới từ năm 1986, hiện đã đi qua giai đoạn thứ nhất (1986-2015) và đang bước vào giai đoạn thứ 2 với nhiều cơ hội, thách thức.
Nếu giai đoạn thứ nhất là sự thức dậy về tư duy, cởi trói về cơ chế và mạnh dạn trong hội nhập, thích ứng với đổi thay, thì giai đoạn hiện tại 2016 – 2045 (năm hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại) sẽ là giai đoạn trỗi dậy của tầm nhìn, xây dựng nền tảng thể chế cho một quốc gia hùng cường, một xã hội hiện đại – phồn vinh, đây cũng là giai đoạn phát huy sức mạnh tổng lực của cả dân tộc, đưa đất nước đến vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Dù ở giai đoạn nào, hoạt động cải cách của Việt Nam cũng dựa trên 4 trụ cột gồm thị trường, thể chế, con người và văn hóa.
Trục kinh tế toàn cầu đang xoay mạnh mẽ và nhanh chóng do sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ, số hóa. Nhân loại đang kỳ vọng chuyển đổi số sẽ mang lại năng suất lao động vượt bậc, chất lượng cuộc sống cao và phát triển bền vững. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam – lực lượng động lực, then chốt quyết định sự thành công của mục tiêu kinh tế Việt Nam đến năm 2045 hiện đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức lớn để hoàn thành “sứ mệnh doanh nhân”. Để thực hiện được mục tiêu này, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, doanh nhân Việt không thể đứng ngoài chuyển động chung của thế giới đó là công cuộc số hóa, nói cách khác là phải nỗ lực để chuyển đổi số.
![]() |
Khảo sát của Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tháng 4-5/2019 cho thấy doanh nghiệp Việt đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong chuyển đổi số |
“Chuyển đổi số là một công cuộc nâng cấp toàn diện không chỉ năng lực sản xuất kinh doanh mà cả chiến lược thích ứng với đổi thay của thời đại để tăng sức cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp trước mắt và lâu dài. Và nỗ lực của chuyển đổi số cần bắt đầu bằng nhận thức thấu đáo về xu thế phát triển và nâng cấp toàn diện tư duy chiến lược”, PGS.TS. Vũ Minh Khương nói và cho biết thêm, để đo lường tính hiệu quả của một dự án theo 5 ký tự của SMART gồm S (Strategic Purpose) đánh giá về tính chiến lược (ảnh hưởng lâu dài và nền tảng), M (Monitoring) sự tường minh của chỉ số giám sát kết quả và tiến bộ đạt được, A (Accountability) chỉ cá nhân và đơn vị thực hiện dự án, R (Rethinking) đánh giá mức đổi mới tư duy/cách nghĩ và tính đột phá của dự án, và T (Trust) đánh giá những đóng góp của dự án để tăng cường lòng tin của nhân viên với tương lai của doanh nghiệp. Ở mỗi tiêu chí điểm cao nhất là 5, thấp nhất là 1, nếu trung bình 5 tiêu chí cao hơn 4,0 thì đó là một dự án tốt, nếu thấp hơn 3,0 thì dự án cần phải được thiết kế lại, thậm chí xem xét loại bỏ.
Theo TS. Vũ Minh Khương, cục diện toàn cầu đang được định hình bởi 8 xu thế chủ đạo gồm các biến động toàn cầu ngày càng mạnh mẽ; gắn kết toàn cầu và khu vực là tất yếu dù nhiều khó khăn; thế kỷ XXI là thế kỷ trỗi dậy của châu Á trong đó, Đông Nam Á đang trở thành trọng điểm phát triển và động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu; đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh hơn; CMCN 4.0 đã và đang diễn ra với nhịp độ ngày càng nhanh, ảnh hưởng sâu sộng đến mọi mặt của nền kinh tế và đời sống xã hội; dân số già hóa, trong đó, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn dân số vàng, nếu không tận dụng được lợi thế này để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045 thì Việt Nam sẽ ở tình cảnh “già trước khi giàu”; phát triển bền vững trở thành kim chỉ nam cho mọi nỗ lực phát triển; doanh nghiệp phát triển phải gắn với trách nhiệm xã hội – đây sẽ là lợi thế cạnh tranh vô hình ngày càng lớn.
Để nâng tầm tư duy chiến lược, mỗi doanh nghiệp cần chú trọng đến 7 nội dung gồm xác định rõ tầm nhìn và định vị chiến lược cho doanh nghiệp trong hành trình phát triển phía trước; kiến tạo giá trị cần là mục tiêu cốt lõi và là tiêu chí chủ đạo; hiểu rõ trở ngại chính trong nỗ lực đi tới tầm nhìn chiến lược và phương cách vượt qua nó; coi trọng học hỏi, tương tác và phát triển hệ sinh thái; coi trọng tính minh bạch, sự trung thực và lòng tin của xã hội – doanh nghiệp Việt Nam cần coi đây là một lợi thế cạnh tranh để làm chủ thị trường nội địa cũng như thâm nhập thị trường khu vực và thế giới; tránh các cạm bẫy chiến lược gồm cạm bẫy nguồn lực, năng lực và thế lực; cần có cách tiếp cận tổng hợp, toàn diện trong triển khai thực hiện.
![]() |
Các công đoạn trong nhà máy của UAC (Hoa Kỳ) hầu hết được số hóa |
“Chuyển đối số không đơn thuần là nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mà là một công cuộc cải biến toàn diện và sâu sắc nhằm khai thác tối đa sức mạnh thời đại và tiến bộ công nghệ để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và kiến tạo nền tảng căn bản cho hành trình phát triển lâu dài. Một vấn đề lớn đặt ra là chúng ta thường chưa sẵn sàng đón nhận những đổi thay do bị áp đặt bởi tư duy và thói quen cũ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt xu thế toàn cầu, nâng tầm tư duy chiến lược để khắc phục tư duy này, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhận định.