Sẽ lập Tổ công tác đặc biệt về cắt giảm và ngăn chặn rào cản kinh doanh

Ngày 2/1/2020, tại cuộc họp về xây dựng công cụ và Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm, Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh

Cắt giảm và ngăn chặn

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm tập trung cho cải thiện môi trường kinh doanh, tạo dư địa phát triển với quan điểm chỉ đạo là cắt giảm ngay những quy định là rào cản với hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn việc phát sinh các quy định mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Với các quy định nằm trong luật, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sửa đổi.

se lap to cong tac dac biet ve cat giam va ngan chan rao can kinh doanh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh

“Tinh thần chung của Kế hoạch này là sẽ tiếp tục quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc sửa đổi 25 điểm chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chỉ ra mới đây” – Bộ trưởng Mai TIến Dũng nói và nhấn mạnh, phải kiểm soát việc ban hành các thông tư vì nhiều rào cản rất lớn đang nằm trong các văn bản này. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ các quy định về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, điểm quan trọng trong dự thảo Kế hoạch này là nguyên tắc khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ, riêng thông tư thì ban hành một phải bãi bỏ ít nhất hai. Bên cạnh đó, cần hạn chế việc ban hành các thông tư, tiến tới ban hành nghị định mà không cần thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, phải hạn chế việc để các cục, vụ ban hành văn bản rồi bắt cả nước thực hiện theo thì phải "bắt tận tay day tận trán", không để “rế cao hơn nồi”.

Không để tình trạng “cắt rồi lại mọc”

Tại cuộc họp, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - đồng ý với mục tiêu từ nay đến 2025 cắt giảm ít nhất 20% văn bản và chi phí tuân thủ thủ tục. Tuy nhiên, phải tính đến con số khả thi và cần kiểm soát việc sửa đổi để không bị “vượt rào” vì có trường hợp chỉ sửa 1 chữ.

Cũng theo ông Hiếu, các bộ ngành sửa gì thì sửa nhưng phải giảm được chi phí cho doanh nghiệp thì đây mới là cái tốt. Con số chi phí này chỉ có ý nghĩa khi so sánh với tỷ lệ 20% nên sẽ không để cho bộ ngành tự tính toán con số về chỉ tiêu tài chính.

Nhấn mạnh tư duy của Chính phủ ở đây không phải bãi bỏ cơ học các văn bản hay các quy định mà đòi hỏi phải thay đổi tư duy quản lý, làm sao đạt hiệu quả, nhưng có phương thức khác, ít tốn kém, ít chi phí cho doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, nếu chúng ta vẫn tư duy cũ, chỉ bãi bỏ công cụ quản lý chưa phù hợp.

Trong khi đó, Phó chánh Văn phòng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đình Trường cho rằng hiện nay mới đề cập đến cắt giảm văn bản mà chưa đề cập đến mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đơn giản hoá kiểm tra chuyên ngành.

Còn về số lượng cắt giảm 20% văn bản, ông Trường nhấn mạnh, để bảo đảm tính khả thi thì phải trên cơ sở rà soát của các bộ. Nếu ấn định các bộ đều phải chắt giảm 20% thì chưa khả thi. Do đó, cần yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đề xuất các phương án cắt giảm. Trên cơ sở đề xuất đó, Văn phòng Chính phủ tham mưu, báo cáo Thủ tướng ban hành một quyết định riêng đối với từng ngành, lĩnh vực vì hiện nhiều bộ ngành đã cắt giảm tương đối nhiều. Nếu giờ áp đặt một mức khống chế nữa, đánh đồng các bộ ngành thì tính khả thi chưa cao.

Cung cấp thêm thông tin về dự thảo Kế hoạch, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - cho biết, hiện Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với VNPT xây dựng phần mềm thống kê tất cả các văn bản có liên quan tới hoạt động kinh doanh, kể từ cấp công văn hướng dẫn cho tới luật, nghị quyết của Quốc hội. Cùng với đó, quá trình rà soát cũng sẽ xem xét cả các dự thảo văn bản, do đó các đơn vị của các bộ cũng cần phải vào cuộc tích cực, chặt chẽ, tránh tính trạng “cắt cái này mọc cái khác”.
Hoàng Châu
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận