Quảng Ninh: Tập trung nguồn lực ứng phó dịch bệnh và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Khẳng định Quảng Ninh đã và sẽ thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, song Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, hoạt động sản xuất – kinh doanh trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn và nêu nhiều kiến nghị xác đáng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19

Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Hôi nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – khẳng định, đến thời điểm hiện nay, địa phương vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, ngoài các trường hợp nhiễm bệnh từ nước ngoài tới địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra bất cứ một ca nhiễm bệnh nào.

quang ninh tap trung nguon luc ung pho dich benh va ho tro san xuat kinh doanh
Ông Nguyễn Văn Thắng: Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế

Nêu các số liệu chi tiết, ông Thắng cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đón và tổ chức cách ly an toàn, chu đáo cho hơn 8.000 công dân Việt Nam từ nước ngoài về và các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái và sân bay Vân Đồn. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục khẩn trương chuẩn bị các cơ sở lưu trú cũng như các phương tiện, vật tư y tế để đón các công dân Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài trên các tuyến chuyến bay tiếp theo về sân bay Vân Đồn.

“Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động trong việc bố trí kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với gần 1.500 tỷ đồng, trong đó có 10% từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của địa phương” – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo và khẳng định, kết quả trong công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua đã giúp địa phương ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân. Theo ông Thắng, đây cũng là yếu tố giúp cho tỉnh Quảng Ninh đảm bảo được an toàn tuyệt đối cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành than, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập cho hơn 100 nghìn lao động ngành than. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai các giải pháp ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh đến từ cộng đồng; thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly người dân, tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh.

Đảm bảo nguồn thu ngân sách trong điều kiện khó khăn

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phải ứng phó với đại dịch Covid-19 của địa phương, ông Nguyễn Văn Thắng đánh giá, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn theo chiều hướng tiêu cực đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Do đó, dù địa phương đã hết sức chủ động đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp trong chỉ đạo điều hành, song kết thúc quý I, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 7,2 %, thấp hơn 1 % so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh kinh tế của địa phương là dù vẫn phải đảm bảo các biện pháp hạn chế giao thương để ngăn ngừa dịch bệnh, song công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong quý I vẫn đảm bảo 25% dự toán thu, trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn tăng trưởng tốt, đã đạt xấp xỉ 30% dự toán thu của năm 2020.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, Quảng Ninh là địa bàn trọng điểm về dịch vụ, du lịch, thương mại, do đó, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, siết chặt quản lý lưu thông, hoạt động kinh doanh dịch vụ đối với người dân và du khách đối đã ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch, do đó, trong quý I, hầu như tất cả các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ không có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Về số doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, số liệu thống kê đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 587 doanh nghiệp giải thể; 1.123 số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 444 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ dịch bệnh. Đi kèm đó, số lao động bị ảnh hưởng là khoảng 12 nghìn người, trong đó có trên 5.000 lao động phải ngừng việc; số lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động là trên 1.200 người và số lao động phải hoãn hợp đồng hoặc nghỉ không lương xấp xỉ 5.500 người.

Về hoạt động xuất, nhập khẩu khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, hoạt động giao thương đã được nối lại, song trong những ngày đầu tháng 4, phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt hơn hoạt động xuất khẩu của cửa khẩu Móng Cái. “Nếu trước đây hoạt động thông quan được thực hiện đến 17 giờ hàng ngày thì nay phía Trung Quốc chỉ cho phép được thông quan đến 14 giờ chiều, nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái” – Ông Thắng dẫn thực tế và kiến nghị, trên cơ sở tập hợp ý kiến của các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tiết, đặc biệt là làm việc với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, khơi thông hoạt động giao thương qua biên giới.

Bổ sung kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho địa phương phát triển kinh tế, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2020, địa phương phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét nâng hạn mức chỉ định thầu quy định tại Điều 54, Nghị định 63 của Chính phủ. Cụ thể, quy định hiện hành là dưới 500 triệu đối với các gói thầu tư vấn và dưới 1 tỷ đối với các gói thầu xây lắp, thiết bị, tuy nhiên đây là trong điều kiện bình thường. Song trong bối cảnh hiện này, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo theo hướng nâng hạn mức chỉ định thầu để qua đó thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công tại các địa phương nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn Chính phủ xem xét cho địa phương khởi công một số công trình động lực nhưng chưa có trong quy hoạch sử dụng đất năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối trong giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. “Quảng Ninh cam kết và cập nhật các phương án phân bổ đất đai trong quy hoạch của tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2020” – ông Thắng khẳng định.

Hoàng Châu
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận