Phát triển thị trường cho nông sản sạch: Chính sách và thực tiễn chưa gặp nhau

Thời gian gần đây, thị trường nông sản sạch đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều vấn đề tồn tại cả ở khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, cản trở sự phát triển. Nguyên nhân do giữa chính sách và thực tiễn vẫn có những khoảng cách cần được xử lý.
\"phat
Quá trình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn

Thị trường chậm phát triển

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT) - cho hay, trước vấn nạn mất an toàn thực phẩm, hiện đã có một số trang trại, doanh nghiệp (DN) lựa chọn con đường canh tác theo phương pháp hữu cơ, hoặc sử dụng hóa chất theo tiêu chuẩn. Ở phía tiêu thụ, đã xuất hiện những DN bán lẻ, nhà hàng, nhà xuất khẩu… quan tâm đến việc tìm nguồn nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường để đưa ra thị trường. Cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch như Nghị định 98/2018/NĐ-CP khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. “Nhìn vào những chuyển động ở cả 3 bên: Sản xuất, tiêu thụ và cơ quan quản lý có thể thấy những tín hiệu tích cực và đáng mừng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao sản xuất nông sản sạch “chậm lớn”? Vì sao bên tiêu thụ vẫn chật vật tìm nguồn và đa số người tiêu dùng khó tiếp cận nông sản sạch?” - bà Nguyễn Thị Hồng Minh băn khoăn.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, có đến 85% nông sản tiêu thụ qua các kênh truyền thống là chợ, cửa hàng nhỏ lẻ hay gánh hàng ven đường; chỉ có 15% là qua kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Con số này chính là thách thức không nhỏ đối với nông sản sạch, nông sản hữu cơ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - CEO DN xã hội Proci - nhận định, người tiêu dùng trong nước chưa hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ, do vậy chưa hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ. Hạ tầng, dịch vụ phụ trợ như: Chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung ứng vật tư cho nông nghiệp hữu cơ hầu như chưa có. Bên cạnh đó, phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao, trong khi Việt Nam mới ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng Điều phối Hệ thống giám sát và đảm bảo chất lượng được vận dụng trong Dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam” - nhận định, sản xuất chưa có chính sách cụ thể, thị trường vẫn còn đang nghi ngại bởi quy trình đánh giá, quá trình tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, đây là những vấn đề cốt lõi trong việc phát triển thị trường cho nông sản sạch nói chung và nông sản hữu cơ nói riêng. Nếu không khắc phục căn bản vấn đề này, nông sản sạch khó tiến xa được.

Cần đa dạng giải pháp

Để phát triển thị trường nông sản sạch, nhiều ý kiến cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố cần sớm đưa Nghị định 109/2018/NĐ-CP vào thực tiễn, đồng thời ban hành thêm các chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các cá nhân, tổ chức tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ vì mỗi thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng. Các tổ chức chứng nhận cần nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ.

Ngoài ra, cần có thêm hàng loạt quy định về sản xuất, hỗ trợ nông dân, DN sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; chủ trương quy hoạch và tập trung đầu tư sản xuất một số loại nông sản hữu cơ mà Việt Nam có thế mạnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, 33 tỉnh, thành phố đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70.000 ha. Nielsen ước tính, giá trị tổng thị trường hữu cơ tại TP. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh khoảng 400 tỷ đồng/năm. Đây là con số khá nhỏ so với sức mua của người tiêu dùng hiện nay.
Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận