Nói về tác động của củ thiên tại, dịch bệnh đối với DN, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của DN. Kết quả khảo sát của VCCI trong 9 tháng đầu năm 2021, cho thấy, 94% DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó có 71% cho biết sẽ bị giảm doanh thu năm 2021 so với năm 2020, trong khi năm 2020 cũng đã có tới 65% DN bị giảm doanh thu so với năm 2019. Đại dịch cũng đã khiến GDP quý 3/2021 của Việt Nam giảm 6,17% so với cùng kỳ 2020, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP theo quý. Ảnh hưởng của đại dịch dự báo sẽ còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế từ 3-5 năm tới.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trung bình mỗi năm, thiên tai đã gây thiệt hại về kinh tế của Việt Nam ước tính khoảng 1,5% GDP, chưa kể thiệt hại về người. Trong năm 2020, Việt Nam đã phải đối mặt với 16/21 loại hình thiên tai, làm 357 người chết và mất tích, gần 340.000 nhà dân bị hư hại hoặc sập đổ, khoảng 200.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 40.000 tỷ đồng. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, thiên tai đã làm hơn 100 người chết, bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị sập, khoảng 8.000 ngôi nhà bị hư hỏng.
DN là một đối tượng phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, đồng thời DN cũng là một chủ thể chính trong việc hỗ trợ nhà nước và cộng đồng phòng chống tiên tai thông qua việc sản xuất ra của cải, vật chất, nhu yếu phẩm, hàng hóa cho xã hội, trong đó có các sản phẩm phục vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong các tình huống phải đáp ứng khẩn cấp. Các DN khoa học - công nghệ không chỉ sản xuất, cung cấp các giải pháp, thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, mà còn có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn, cơ sở dữ liệu… hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của cơ quan nhà nước về phòng chống thiên tai.
![]() |
Thiên tai - lũ lụt. Ảnh minh họa |
Dẫn kết quả khảo sát của VCCI về các tác động của thiên tai, dịch bệnh đối với DN, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết, đa số DN đánh giá mức độ bị tác động tiêu cực ở mức cao, gây gián đoạn sản xuất, giảm năng suất lao động, suy giảm doanh thu. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại rất nặng nề với cộng đồng DN. Mặc dù vậy, các DN vẫn tích cực tham gia đóng góp, cứu trợ, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh. Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 63% DN dân doanh, 49% DN FDI, cho biết, họ đã và sẵn sàng tham gia cứu trợ, hỗ trợ tài chính, nhân lực… góp phần khắc phục hậu quả của thiên tai. Điều này cho thấy, các DN ngày nay hoạt động đã thể hiện có trách nhiệm cao hơn với xã hội.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, cho biết, mức độ hành động trong phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, dịch bệnh của các DN vẫn còn đơn giản, tức thời, tình huống, chưa có chiến lược lâu dài, bền vững, sự chủ động và kỹ năng ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế, do đa số DN Việt Nam qui mô vừa và nhỏ, thiếu thông tin về phòng chống thiên tai. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách thích hợp để DN phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia phòng chống thiên tai. Việt Nam cần có cách tiếp cận mang tính hệ thống và chủ động hơn về vai trò của DN ứng phó với thiên tai. Các DN cần được tiếp cận thông tin đầy đủ về vấn đề này, được hỗ trợ kết nối, tương tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sẵn sàng đầu tư bảo vệ môi trường, thích ứng an toàn và có sức chống chịu kiên cường trước thiên tai, BĐKH, dịch bệnh.
Hiện VCCI và các cơ quan liên quan đã thử nghiệm kết nối DN tại các khu vực bị chịu nhiều ảnh hưởng nhiều của thiên tai, nhằm thúc đẩy tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với thiên tai, bước đầu đã hình thành được một mạng lưới DN qui mô nhỏ ở Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Ông Nguyễn Quang Vinh, cho biết, VCCI rất kỳ vọng sẽ mở rộng và hình thành được một mạng lưới quốc gia DN tiên phong và chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH, dịch bệnh trong thời gian tới. Mới đây, VCCI và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổng cục Phòng chống thiên tai, đã thành lập nhóm công tác 3 bên thúc đẩy khu vực DN tư nhân nâng cao nhận thức, tăng cường hợp tác công - tư, kết nối và đối thoại giữa chính quyền – cộng đồng DN về vai trò của các DN trong phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH, dịch bệnh.
Năm 2020, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống thiên tai nhằm tạo khung chính sách, pháp luật đồng bộ để đầu tư, huy động các nguồn lực, giải pháp phòng chống thiên tai, thúc đẩy DN tham gia sâu, rộng, bền vững vào quá trình phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Tiến, cho rằng, nhóm công tác 3 bên gồm Tổng cục Phòng chống thiên tai - VCCI - UNDP, cần thống nhất có một kế hoạch hành động toàn diện, cụ thể thúc đẩy khu vực DN tư nhân phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH và dịch bệnh, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại cho DN, khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần khôi phục kinh tế, xã hội nhanh nhất sau thiên tai.
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho rằng, tiềm năng khu vực DN tư nhân tham gia phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, dịch bệnh… rất to lớn thông qua phát triển sản phẩm phục vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường... DN cũng có thể tham gia xây dựng các chương trình và thực hiện chiến lược phòng chống thiên tai, tăng khả năng chống chịu. Hình thành mạng lưới DN và kết nối nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tiếp thu các sáng kiến trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh… hiệu quả là rất cần thiết với Việt Nam.