![]() |
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh được quảng bá tại nhiều hội chợ trong nước |
Sau hai năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã thu hút nhiều sản phẩm truyền thống của từng vùng, miền, các sản phẩm trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lai tạo giống mới, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng tầm giá trị sản phẩm. Đến nay, Quảng Ninh có 120 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó, 21 sản phẩm được cấp bằng bảo hộ của Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Tiêu biểu như: Nhãn hiệu tập thể vải chín Phương Nam, nếp cái hoa vàng Đông Triều, mía tím Quảng Ninh, tôm chân trắng Móng Cái, chả mực Hạ Long, gốm sứ Đông Triều...
Để có được thương hiệu OCOP như hiện nay, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến việc thành lập các hợp tác xã (HTX), kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất nông nghiệp. Có cơ chế, khuyến khích, hỗ trợ với phương châm: “Công nghiệp thúc đẩy nông nghiệp”, đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao cho thị trường tiêu dùng.
Đến nay, gần 200 tổ chức kinh tế tham gia chương trình là các tổ chức có tư cách pháp nhân bao gồm: Các công ty tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, HTX. Trong đó, đông đảo là công ty cổ phần có vốn của cộng đồng và các HTX. Thời gian qua, các HTX đã đảm nhận vai trò đầu mối đảm nhận khâu thu mua và đưa hàng nông sản đến các thị trường, tiết kiệm được chi phí lưu thông, do đó lợi nhuận cho người sản xuất cũng được nâng cao hơn.
HTX cũng chủ động được nguồn hàng và khi có khối lượng hàng hóa nông sản lớn trong tay, HTX có đủ tiềm lực mạnh để dành chiến thắng trong cạnh tranh. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho lao động nông thôn thông qua việc tổ chức sản xuất, dịch vụ OCOP. Đồng thời, HTX là chủ đầu tư công nghệ, chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất làm nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Điển hình như: HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong - thị xã Đông Triều. HTX lập kế hoạch từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ hàng hóa, trong quá trình thực hiện, đều liên kết chặt chẽ với các thành viên trong HTX, nhờ đó ổn định được sản xuất, đầu ra của các sản phẩm nông sản. HTX toàn dân huyện Ba Chẽ thì mạnh dạn liên kết sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống, đưa vào trồng trên 120 ha cây ba kích tím. Dự kiến, thu hoạch vào năm 2016 ước tính doanh thu từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng/1 ha.
Để phát huy hiệu quả của OCOP, Quảng Ninh đang triển khai liên kết với các công ty, doanh nghiệp, viện cây trồng nhằm đưa các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Thành lập các cửa hàng OCOP giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm ở các huyện, thị xã, thành phố như: Hoành Bồ, Bình Liêu, Hải Hà, Quảng Yên, Đông Triều. Đồng thời, tham gia triển lãm, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước như: Triển lãm Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Viet Nam Foodexpo 2015). Hội chợ triển lãm hành lang kinh tế Đông - Tây Đà Nẵng. Hội chợ thương mại Trung Quốc - ASEAN tại TP. Nam Ninh (Trung Quốc)...
Ông Trương Công Ngàn - Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh: Để có bước đột phá trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, Chương trình Xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, Quảng Ninh đã xây dựng 17 vùng chuyên canh nông, lâm, ngư nghiệp tạo ra các sản phẩm đặc thù, sản phẩm truyền thống có chất lượng để xây dựng thương hiệu sản phẩm. |