Nghịch lý giá mua tăng, diện tích mía vẫn giảm

Bất chấp việc vụ thu hoạch 2020-2021 được xem là vụ mía thành công của cả nông dân và nhà máy, diện tích mía tại nhiều vùng nguyên liệu dự báo vẫn tiếp tục bị giảm. Đâu là lý do của nghịch lý này?

Cây mía thiếu người trồng

Giá cả được xem là lý do quan trọng ảnh hưởng đến quyết định trồng mía của nông dân. Vào thời kỳ hoàng kim, cây mía không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà thực sự trở thành loại cây làm giàu cho nhiều nông dân.

Trải qua biến động hội nhập, trồng mía không còn “dễ ăn” như trước đây. Nếu so sánh về giá với các cây trồng cạnh tranh trực tiếp như: mì, lúa, cà phê… thì mía đang thua sút. Dẫu vậy, trong bối cảnh cây mía được các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư trồng, chăm sóc, bao tiêu đầu ra, thêm vào đó là tình hình thị trường quốc tế diễn biến có lợi, giá đường tăng ổn định nhưng vì đâu người nông dân vẫn rời bỏ cây mía?

Diện tích mía được dự đoán tiếp tục giảm dù giá mía ở mức cao và tiếp tục tăng
Diện tích mía được dự đoán tiếp tục giảm dù giá mía ở mức cao và tiếp tục tăng

Là ngành thâm dụng lao động, ngành mía đường đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động phổ thông nghiêm trọng. Nhất là trong vụ thu hoạch, khi đây là khâu tốn nhân lực và ảnh hưởng đến toàn bộ thành quả của nông dân người mía trong suốt vụ. Theo một nghiên cứu, hơn 50% nông dân trồng mía trên 50 tuổi. Chỉ có 7% từ 20-30 tuổi và 14% từ 30-40 tuổi. Đây là những con số biết nói với ngành mía và nông nghiệp nói chung. Tỉ trọng thu hoạch thủ công lớn tạo ra rủi ro và khiến chi phí canh tác mía tăng cao, giảm lợi nhuận của người trồng mía.

Bên cạnh đó, tỉ lệ đô thị hoá tại Việt Nam đã tăng từ 29,76% lên 36,6% trong 10 năm trở lại đây. Riêng tại Đồng Nai dự kiến tới năm 2025, tỉ lệ đô thị hoá sẽ đạt 50%, các huyện trồng mía đều đang được quy hoạch trở thành các đô thị loại IV, V. Bên cạnh đó chỉ từ 2015 – 2018, tỉ lệ lao động trong ngành nông nghiệp giảm 6.3% (từ 44% xuống còn 37,7%).

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ từ nông thôn sang thành thị đã khiến ngành mía đường thiếu đi thế hệ kế thừa.

Khó khăn chồng chất khi cây mía bị bỏ quên

Cơ giới hoá là giải pháp tất yếu để giảm phụ thuộc vào công lao động. Trong nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã có nhiều hỗ trợ tích cực nhằm đưa cơ giới vào đồng ruộng. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đưa thiết bị cơ giới nông nghiệp hàng đầu thế giới về phục vụ. Nhưng công cuộc cơ giới hoá đó còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện diện tích canh tác mía còn manh mún và thiếu quy hoạch bài bản như hiện tại. Đây là trở lực quan trọng mà tự thân người nông dân và doanh nghiệp không thể tự tháo gỡ mà cần những hành lang pháp lý của nhà nước.

Cơ giới hoá được đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần các bên tháo gỡ
Cơ giới hoá được đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần các bên tháo gỡ

Từ năm 2002 đến 2019, năng suất cây mía chỉ tăng 22% (nguồn: FAO). Đây là mức tăng khiêm tốn với tiềm năng của cây mía khi nhiều giống mía có năng suất khảo nghiệm lên tới cả trăm tấn/ha. Trong cơ cấu giống mía ở Việt Nam năm 2009, các giống mía nhập nội từ nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao hơn 98,8%. Trong khi đó, các giống mía do Việt Nam lai tạo mới chỉ chiếm 1,24%.

Bị phụ thuộc vào nguồn giống ngoại, người dân khó mà tiếp cận được nguồn giống thuần, sạch bệnh khiến nghề trồng mía tại nhiều địa phương vẫn giậm chân tại chỗ với kĩ thuật canh tác truyền thống còn năng suất và chữ đường ngày một kém đi do bệnh hại tích luỹ và thoái hoá giống.

Diện tích mía giảm sút, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, đồng nghĩa với vùng nguyên liệu tại đó tan vỡ, hàng ngàn người nông dân bấp bênh do mất sinh kế từ cây mía. Vậy làm sao để tạo dựng lại lòng tin của người trồng mía, làm sao để “nông dân có lãi, nhà máy có lời” và cây mía phát triển trở lại? Đó là câu hỏi không chỉ dành cho doanh nghiệp và nông dân mà cả cho các bên liên quan: nhà nước, địa phương và các hiệp hội.

Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận