Nghệ An: Xuất khẩu chiếm ưu thế kinh tế địa phương 

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An đạt gần 1.053,26 triệu USD, hoàn thành và vượt 5,33% so với chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 720,21 triệu USD.

Xuất khẩu dệt may, dăm gỗ vẫn ở Top đầu

Trong mấy năm trở lại đây, nhóm hàng dệt may tiếp tục xếp ở vị trí dẫn đầu. Dệt may xuất khẩu sang thị trường 32 nước như: các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Trung Quốc… . Năm 2018 nhóm hàng này đạt 184,8 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2017 (170,12 triệu USD).

\"nghe
Hàng hoá xuất khẩu qua cảng Cửa Lò (Nghệ An)

Nhóm hàng dệt may trong thời gian tới tiếp tục được xác định là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Nghệ An với kim ngạch xuất khẩu có mức tăng khá bền vững và ổn định.

Theo ông Đặng Việt Dũng - Trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty may Minh Anh - Kim Liên (KCN Bắc Vinh) cho biết: Năm 2018, sản lượng của đơn vị đạt 15 triệu sản phẩm, tăng 123% so với năm 2017; doanh thu 470 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 78 triệu USD, nộp ngân sách 6 tỷ đồng.

Kế đến là mặt hàng dăm gỗ luôn nằm trong top đầu xuất khẩu của tỉnh, với 9 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, kim ngạch đạt 152,94 triệu USD, chiếm tỷ lệ 21,23% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, tăng 33,25% so với năm 2017 (114,77 triệu USD). Hiện sản phẩm dăm gỗ được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Lào và Hồng Kông.

Các sản phẩm sắn và tinh bột sắn là nhóm sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Nghệ An, gồm có 5 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường 6 nước, trong đó Trung Quốc chiếm 83,9% kim ngạch, đạt 27,49 triệu USD, tăng 79,67% (15,3 triệu USD) so với năm 2017. Nguyên nhân do giá nguyên liệu tăng mạnh nên chào giá xuất khẩu chính ngạch tăng (535 USD/tấn so với 306 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái).

Dự báo thời gian tới giá còn tăng do nhu cầu thị trường cao, đặc biệt khi các nhà máy chế biến nguyên liệu sinh học ethanol đẩy mạnh thu mua sắn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất.

Cần có sự thay đổi mạnh mẽ về chất

Theo thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 156 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, trong đó có hơn 30 doanh nghiệp đạt kim ngạch từ 3 triệu USD trở lên, tiêu biểu như: Công ty TNHH Hợp Mạnh, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty may Minh Anh - Kim Liên… các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu gần 50 mặt hàng/nhóm mặt hàng đến các thị trường nước ngoài, trong đó có 3 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD…

\"nghe
Dệt may là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Nghệ An

Các nhóm mặt hàng chủ lực của Nghệ An như dệt may, tinh bột sắn, hàng thủy sản, các sản phẩm đá các loại… có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm 2017. Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng từ 112 nước (năm 2017) lên 114 nước năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của khối các doanh nghiệp FDI ổn định, ước đạt 190,2 triệu USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Hiện, nhiều sản phẩm xuất khẩu có chất lượng đủ tiêu chuẩn vào các nước như Nhật Bản, Mỹ, Đức... nhất là các mặt hàng nông lâm hải sản vì đã làm tốt quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị, có thể truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, không xảy ra tình trạng ứ đọng sản phẩm, hay sản phẩm kém chất lượng xuất đi bị trả về…

Theo đánh giá của ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An: “Xuất khẩu vẫn dừng lại những gương mặt doanh nghiệp, lĩnh vực quen thuộc; thiếu những ngành hàng mang giá trị lớn cho kinh tế phát triển vượt trội. Quy mô xuất khẩu vẫn còn nhỏ bé so với tiềm năng và yêu cầu phát triển; kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người vẫn đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Xuất khẩu năm 2018 tuy tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn chưa thực sự vững chắc, hiệu quả chưa cao; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn hàng, còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh và thị trường ngoài nước như tinh bột sắn, hạt tiêu, sản phẩm gỗ\"…

Thêm vào đó, Nghệ An vẫn chưa có vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa xuất khẩu với khối lượng lớn như tại một số vùng miền khác; chưa thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tên tuổi vào đầu tư các dự án phát triển sản xuất hàng nông lâm hải sản xuất khẩu.

\"Doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn Nghệ An đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô sản xuất - kinh doanh nhỏ, yếu về năng lực tài chính; đa phần doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh xuất khẩu dài hạn, năng lực cạnh tranh thấp…”, ông Tám nói.

Những bất cập “mãn tính” đó đòi hỏi các cấp ngành liên quan cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu. Đồng thời, thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu mục tiêu, kịp thời cho doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Hoàng Trinh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận