Cơ hội quảng bá và giao thương
Thông báo tại cuộc họp báo ngày 23/11, tại Hà Nội, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt nam cho biết, sản xuất cà phê Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc thời gian qua. Đây cũng là một trong những ngành hàng mang lại giá trị cao nhất cho nông sản với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều thương hiệu cà phê đã được người tiêu dùng biết đến như Vinacafe, Trung Nguyên, Mê Trang, Thắng Lợi, Minh Tiến… Đồng thời, có khoảng 26.000 cửa hàng cà phê, trong đó một số đã hình thành chuỗi như Trung Nguyên, Mê Trang, Coffee House, Urban…
![]() |
Ông Lương Văn Tự chia sẻ với báo chí về sự kiện |
Tuy nhiên, năm nay, giá cà phê thế giới đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua (cà phê Arabica thấp nhất trong 12 năm, cà phê Robusta thấp nhất trong 5 năm), gây ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu cà phê nước ta.
Là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng cho ngành hàng cà phê, Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2 – năm 2018 được tổ chức quy mô, trang trọng dưới sự chỉ đạo, tham dự của đạo diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, tỉnh Đăknông, ĐăkLăk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum… Các đại sứ quán, lãnh sứ quán các nước tại Việt Nam, tổ chức cà phê thế giới, doanh nghiệp cà phê trong và ngoài nước, người tiêu dùng cà phê… Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của gần 40 tổ chức, doanh nghiệp quốc tế lớn như Chủ tịch Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Chủ tịch Liên đoàn Cà phê ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê châu Á, các doanh nghiệp nhập khẩu cà phê từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan…
“Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê thành công, tìm kiếm đối tác kinh doanh, quảng bá sản phẩm, thương hiệu và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm” – ông Lương Văn Tự cho biết.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp đã tham gia Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ Nhất - năm 2017 |
Năm 2017, sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), thu hút hàng triệu lượt khách hàng đến thăm quan, nhiều hợp đồng được ký kết. Năm nay, sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Đăknông – một trong 3 địa phương có sản lượng và diện tích cà phê lớn nhất cả nước. Do đó, có thể lượng khách đến với sự kiện không đông như năm ngoái, nhưng đây là cơ hội để quảng bá cho sản phẩm cà phê Đăknông, cũng như tiềm năng du lịch của địa phương này.
Thêm lợi nhuận cho nông dân trồng cà phê
Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2 sẽ có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn và thiết thực. Cụ thể, cùng với sự kiện triển lãm với 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm cà phê chất lượng đến từ các doanh nghiệp uy tín và các vùng trồng cà phê nổi tiếng, các buổi tham quan vườn cà phê, sự kiện giao thương… Ngày hội năm nay còn có nét mới là sự kiện Cupping cà phê (thử nếm) và Hội thi nông dân NÉSCAFE PLAN. Hiện nay, lợi nhuận dành cho người nông dân chỉ chiếm 1/20 tổng giá trị cà phê, còn lại rơi vào tay doanh nghiệp chế biến và phân phối. Do đó, các sự kiện là dịp để người nông dân được tiếp cận với cách trồng trọt, chế biến hiện đại, từ đó nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm.
![]() |
Hướng tới nâng cao thu nhập cho nông dân trồng cà phê |
“Chúng tôi chủ trương không tổ chức một sự kiện khuếch trương đơn thuần mà hướng đến hiệu quả và ý nghĩa thực sự. Trong đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu” – ông Tự cho hay.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 10/12 hàng năm là Ngày cà phê Việt Nam, đồng thời quyết định bổ sung mặt hàng cà phê chất lượng cao vào danh mục các sản phẩm quốc gia. Đây là niềm vinh dự của ngành cà phê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. Sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam được tổ chức thường niên là cơ hội tốt để các đối tác gặp gỡ, giao lưu, ký kết các hợp đồng kinh tế, quảng bá cho hạt cà phê Việt. |