Hoàn thiện công nghệ sản xuất
Bộ Công Thương đã xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020". Trong khuôn khổ đề án, trên 95% đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm đều gắn với thực tế sản xuất, kinh doanh. Nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành thấp được áp dụng tại doanh nghiệp đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng Việt Nam.
Đáng lưu ý, các nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng lớn. Trong giai đoạn 2007-2018, tổng kinh phí triển khai đề án khoảng trên 560 tỷ đồng, phân bổ cho 131 đề tài, dự án thì đã có trên 61% các đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
![]() |
Nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp có chất lượng tốt, giá thành thấp |
Kết quả, các đề án đã giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu ra, tạo ra sản phẩm chế biến mới có giá trị cao; khai thác giá trị thương mại cao từ nguồn nguyên liệu truyền thống, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp; nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Cùng đó, trước hiện trạng máy móc nông nghiệp, nhất là thiết bị phục vụ khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch lạc hậu, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu phát triển và hoàn thiện các công nghệ, dây chuyền máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, Bộ Công Thương đã hỗ trợ Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp, Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp triển khai các dự án về nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thương mại hóa các dây chuyền, máy móc đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại tương đương khu vực và thế giới với giá thành cạnh tranh. Một số dự án nổi bật như: Nghiên cứu, phát triển hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến nông sản công nghệ cao sử dụng năng lượng tái tạo từ phụ phẩm nông nghiệp; phát triển hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến, sản xuất lạc giống sử dụng nguồn năng lượng tái tạo…
Mở thị trường cho sản phẩm nông nghiệp
Đáng lưu ý, bên cạnh việc ưu tiên cho các nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, Bộ Công Thương cũng đặc biệt quan tâm tới các nghiên cứu hoàn thiện các chính sách thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp.
Trong cơ cấu chi nguồn sự nghiệp KHCN, nhóm các nhiệm vụ, đề tài về chiến lược, chính sách thương mại thường chiếm từ 4 - 6%, tập trung vào các nhóm vấn đề: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm tận dụng các cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do; nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại cho từng nhóm mặt hàng tới từng khu vực và quốc gia trên thế giới; cung cấp thông tin hỗ trợ tiếp cận thị trường cho sản phẩm xuất khẩu trong nước; đề xuất chính sách nhằm phát triển thị trường trong nước.
Bên cạnh những nghiên cứu về chính sách thương mại chung, các đề tài trực tiếp liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm từ 10 - 15%. Kết quả nghiên cứu từ các đề tài này đã cung cấp luận cứ quan trọng cho Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoạch định các chính sách hỗ trợ thúc đẩy thị trường, thương mại các sản phẩm nông nghiệp.
Theo nhận định từ các chuyên gia, hoạt động nghiên cứu, tham vấn chính sách phát triển thị trường của KHCN ngành Công Thương không chỉ giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp mà còn góp phần khẳng định vị trí trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Qua đó, góp phần giải quyết một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới- tiêu chí về nâng cao thu nhập của người lao động.
Dù vậy, theo Bộ Công Thương, chương trình KHCN của ngành Công Thương phục vụ Chương trình MTQG xây dựng NTM còn hạn chế khi chủ yếu phục vụ mục tiêu cụ thể của từng đề án nên còn tản mạn.
Để khắc phục hạn chế này, trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát kết quả các nội dung của chương trình KHCN thời gian qua để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu của các đề án đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt; lồng ghép, huy động hiệu quả nguồn lực của chương trình KHCN các cấp trong cả nước phục vụ xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện các nội dung của chương trình. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, bất cập và phục vụ trực tiếp cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, nhất là triển khai các dự án xây dựng mô hình sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong 10 năm qua, số đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 50% trong tổng số các đề tài nghiên cứu KHCN của ngành Công Thương. |