Một đầu mối về nợ công tăng hiệu quả, gắn trách nhiệm

Thảo luận tại diễn đàn Quốc hội ngày 16/6/2017 về quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan đến nợ công, nhiều ý kiến cho rằng, nên rút về một đầu mối quản lý nợ công để gắn trách nhiệm, nâng cao hiệu quả.
\"\"
Nợ công luôn cao ngoài dự kiến. Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến để hoàn thiện và thông qua vào kỳ họp tiếp theo, trong đó giao Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, chủ trì đàm phán ký kết các hiệp định thỏa thuận vay cụ thể, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất quản lý vốn vay ODA, Ngân hàng Nhà nước thì chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định vay ODA với các tổ chức tài chính quốc tế.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, phân công nhiệm vụ như vậy không dẫn đến xáo trộn bộ máy quản lý hiện hành. Việc tiếp tục giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán các hiệp định vay là có cơ sở vì thực tế thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn làm tốt nhiệm vụ này. Những vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng ODA như năng lực thực hiện, quản lý dự án, bố trí nguồn đối ứng không kịp thời… không phải do NHNN yếu kém mà thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, bộ, ngành khác. Hơn nữa, NHNN là đại diện chính thức của Việt Nam tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc giao NHNN chủ trì đàm phán, ký kết hiệp định vay ODA với các tổ chức này sẽ thuận lợi, bảo đảm tính chuyên nghiệp…

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, cần có một cơ quan đầu mối tổng hợp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Theo Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), nếu để 3 cơ quan quản lý về nợ công như hiện nay sẽ rất khó khắc phục được những bất cập. Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan này chưa bao giờ thông suốt; “bức tranh” nợ công phải lắp ghép từ nhiều mảnh nên không hoàn chỉnh, không kịp thời, việc vay và sử dụng ODA chưa bao giờ kiểm soát được, luôn vượt dự toán đẩy bội chi nợ công lên cao ngoài dự kiến, chưa gắn được trách nhiệm vay, phân bổ vốn vay với trách nhiệm cân đối nguồn để trả nợ, trách nhiệm khi xảy ra thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Hàm và một số đại biểu khác cho rằng, để một đầu mối quản lý về nợ công sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn vì có thể gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng với trách nhiệm cân đối nguồn trả nợ cũng như trách nhiệm khi để thất thoát, lãng phí. Để một đầu mối sẽ giảm được biên chế, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức. Điều này cũng góp phần làm tăng niềm tin và giảm phiền hà cho người vay, giảm chi phí vay và điều kiện vay cho đơn vị sử dụng vốn vay, nhất là vay ODA khi chỉ phải làm việc với một đầu mối thay vì nhiều đầu mối.

Giải trình trước Quốc hội về quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan đến nợ công theo dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, yêu cầu đối với quản lý nợ công là cần hoàn thiện thể chế, chính sách và bộ máy đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan, từ đó kiểm soát toàn diện rủi ro và nâng cao hiệu quả quản lý.

Làm rõ thêm quan điểm một đầu mối về nợ công, ông Dũng cho biết, WB hiện có tổng cộng 185 nước thành viên, trong đó 118 nước do người đứng đầu ngành tài chính làm đại diện, chỉ có 6 nước do người đứng đầu ngân hàng trung ương làm đại diện (bao gồm Việt Nam), 61 nước khác do người đứng đầu ngành ngoại giao, thương mại và ngành khác làm đại diện. Tương tự ADB tổng cộng có 67 nước thành viên, trong đó có 48 nước do người đứng đầu ngành tài chính làm đại diện, chỉ có 5 nước do người đứng đầu ngân hàng trung ương làm đại diện (gồm Việt Nam), 13 nước khác do người đứng đầu các bộ, ngành khác làm đại diện.

Theo ông Dũng, xu hướng chung của thế giới phần lớn vấn đề nợ công đầu mối đều được đưa về Bộ Tài chính. Dù vậy, ông Dũng cũng cho hay, quan điểm một đầu mối về nợ công đối với Bộ Tài chính là đưa về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước hay Văn phòng Chính phủ… cũng được, vấn đề là cần phù hợp với thông lệ quốc tế, và điều quan trọng là từ đó có thể thể quản lý, điều tiết nợ công hiệu quả, gắn được trách nhiệm.

\"Chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng, cần tiếp thu những mô hình thích hợp, hiệu quả theo thông lệ quốc tế, không thể cứ mãi một mình một kiểu. Cần phải có sự dũng cảm để thay đổi, thống nhất trong nhận thức, từ đó đưa ra chủ trương và quyết tâm hành động\" - ông Dũng phát biểu./.

Ngọc Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận