Minh bạch bảo vệ quyền tác giả âm nhạc

Sau gia đình nhạc sĩ An Thuyên, còn bao nhiêu nhạc sĩ sẽ nói lời chia tay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam?

Chiều 12/4, gia đình nhạc sĩ An Thuyên chính thức thông báo sẽ rút các tác phẩm âm nhạc của An Thuyên khỏi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vì theo nghệ sĩ Huyền Lâm, vợ cố nhạc sĩ An Thuyên, gia đình muốn sẽ tự khai thác, quản lý các tác phẩm của cố nhạc sĩ. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến quyết định này, theo các thành viên trong gia đình, còn liên quan đến sự minh bạch của VCPMC trong việc trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ.

Gia đình nhạc sĩ An Thuyên cho biết từ trước đến nay, họ vẫn nhận được khoản tiền từ trung tâm nhưng với nhiều mức khác nhau. Nghệ sĩ Huyền Lâm cho hay, VCPMC gửi tiền tác quyền cho gia đình nhạc sĩ theo từng quý và cũng không theo mức cụ thể nào. \"Trung bình mỗi quý, chúng tôi nhận được 12-15 triệu đồng, vào quý nhạc sĩ An Thuyên qua đời, gia đình nhận được khoảng 32 triệu đồng, sau đó lại thấy rút xuống 8 triệu đồng. Khi chúng tôi bày tỏ muốn rút tác phẩm để tự quản lý lại thấy VCPMC gửi tiền tác quyền tăng hơn mức 32 triệu đồng. Quả thật, chúng tôi không biết cơ sở để chi trả tiền tác quyền như thế nào...\" - nghệ sĩ Huyền Lâm nói. Bà cũng chia sẻ điều mà gia đình quan tâm nhất là các sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên được sử dụng ra sao, cung cấp cho những đơn vị nào lại không được thông báo cụ thể.

\"Bảo
Nghệ sĩ Huyền Lâm, nhạc sĩ An Hiếu và ca sĩ Bông Mai trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 12/4 tại Hà Nội Ảnh: YẾN ANH

Nói thêm về quyết định của gia đình, ca sĩ Bông Mai, con gái của nhạc sĩ An Thuyên, cho biết từ trước đến nay, phía VCPMC chỉ làm mỗi việc là thu tiền tác quyền các tác phẩm qua những sản phẩm có sẵn, thậm chí có những bản đã tồn tại hơn chục năm nay chứ không làm mới các tác phẩm. \"Gia đình chúng tôi nghĩ rằng để khai thác tác phẩm tốt hơn thì phải có sự đầu tư mới. Chính vì không thỏa đáng với cách làm hiện nay của phía VCPMC trong việc khai tác tác phẩm nên chúng tôi quyết định dừng việc hợp tác\" - ca sĩ Bông Mai nói.

Với tư cách là người thực hiện các thủ tục pháp lý đại diện gia đình, ca sĩ Bông Mai cho biết đã gửi thông báo bày tỏ mong mỏi của gia đình đến VCPMC. Tuy nhiên đến thời điểm này, phía VCPMC chưa hợp tác với gia đình công bố danh mục những đơn vị sử dụng các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ An Thuyên. \"Điều quan trọng mà gia đình quan tâm là ai dùng tác phẩm của ba tôi, dùng bao nhiêu lượt, chúng tôi không được biết. Bây giờ trung tâm lại trả qua tài khoản thì chúng tôi lại càng không biết bài gì, dùng bao nhiêu lần\" - ca sĩ Bông Mai nói.

Nhạc sĩ An Hiếu, con trai của nhạc sĩ An Thuyên, nói thêm trong thời đại công nghệ số, việc quản lý các tác phẩm âm nhạc cần được thực hiện chặt chẽ hơn trong khi nhiều điều khoản của VCPMC chưa thỏa đáng nên gia đình quyết định sẽ tự thực hiện quản lý các tác phẩm của cha theo cách riêng. Nhạc sĩ An Hiếu cho biết hiện gia đình đã tìm được nhiều đối tác khai thác tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên là NhacCuaTui, Sky Music, Viettel...

Đồng hành cùng gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội, cho hay ông đã rút hết các tác phẩm thiếu nhi, không ký hợp đồng với VCPMC nữa. \"Trong cơ chế thị trường, ai làm tốt thì người ta theo. Tôi rất biết ơn VCPMC nhưng cũng đã đến lúc cần thay đổi\" - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường nói. Nhạc sĩ của nhiều tác phẩm nhạc thiếu nhi nổi tiếng - Hoàng Lân - cũng có chung quan điểm này, ông cho rằng việc nhạc sĩ tiếp tục hợp tác với VCPMC nữa hay không cũng là chuyện bình thường của mỗi người.

Trước sự kiện này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, đại diện VCPMC, nói đây là chuyện quá bình thường, quá nhỏ. Trung tâm hết sức hỗ trợ mong muốn của gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên. Nếu nhạc sĩ nào trong hàng ngàn thành viên của trung tâm cảm thấy muốn tự quản tác phẩm của mình, trung tâm cũng đồng ý. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, ngoại trừ gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên, hiện chưa có thêm nhạc sĩ nào muốn rút tác phẩm, không ủy quyền cho VCPMC khai thác.

Nhiều nhạc sĩ thừa nhận, hiện nay, có khá nhiều công ty đang thâm nhập lãnh địa bản quyền. Thị trường bản quyền (gồm quyền tác giả, quyền liên quan) đối với nhạc nền là rất lớn, ước tính doanh thu lên đến hơn 30 tỉ đồng/năm. Từ trước đến nay, chỉ có một đơn vị đứng ra thu bản quyền tác giả với hình thức thu khoán. Hình thức này không nhận được sự ủng hộ của công luận và cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, không có đơn vị nào thu phí quyền liên quan lĩnh vực nhạc nền trong kinh doanh. 

Có thể lấy trường hợp Sky Music làm ví dụ. Công ty này đã vận hành việc phân phối bản quyền kể từ năm 2014 với phương châm thu chi minh bạch dựa trên nguyên tắc có sử dụng thì có chi trả, đo đếm cụ thể từng lượt phát. Sự khác biệt giữa VCPMC và Sky Music là VCPMC muốn duy trì hình thức thu khoán trong khi Sky Music muốn áp dụng công nghệ đo đếm minh bạch để trả đúng, trả đủ cho các nghệ sĩ.

Từ khi nhảy vào lĩnh vực bản quyền, với hình thức phân phối của mình, nhiều đơn vị kinh doanh như chuỗi Lotte, Aeon, Thế Giới Di Động… đều đang sử dụng dịch vụ nhạc nền của Sky Music thay vì tái ký hợp đồng với VCPMC như trước. Với tình hình không chỉ có Sky Music mà nhiều đơn vị khác cũng tham gia kinh doanh lĩnh vực này, VCPMC vốn đang độc quyền lo sẽ vỡ trận trước các đối thủ cạnh tranh.

TIN LIÊN QUAN
Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm thực thi quyền tác giả
C.T
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận