Nền kinh tế Việt Nam sau khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố khống chế được dịch Covid-19 trên thực tế đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, những đặc trưng của điều được mô tả là “bình thường mới” này cần được làm rõ. Báo cáo của Bộ Công Thương đề cập đến 4 vấn đề cần được xem xét kỹ trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là những điều mà TS Trần Đình Thiên- thành viên Tổ tư vấn mô tả là có thể còn chưa được định hình nhưng xu thế, xu hướng đã rõ.
Vấn đề thứ nhất được Bộ Công Thương nêu lên là cần xác định vấn đề thị trường hiện nay không chỉ là thiếu hụt về thị trường trong ngắn hạn mà thực chất là có sự thay đổi trong các chuỗi cung ứng lớn đang diễn ra sâu sắc.
Vấn đề thứ hai là sự suy thoái do dịch bệnh Covid-19 gây ra diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, dẫn tới quá trình tái cấu trúc lại hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Vấn đề thứ ba là là các xung đột vốn đã nghiêm trọng giữa một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU nay càng trở nên gay gắt hơn. Xu thế quay trở lại chính quốc hay giữ các doanh nghiệp ở lại trong nước ngày càng trở nên rõ nét hơn ở nhiều quốc gia.
Vấn đề thứ tư là việc các quốc gia trên thế giới ứng phó với dịch bệnh sẽ tạo nên sự thay đổi trong việc khai thác công nghệ cả đời sống và trong sản xuất. Đây là cơ hội lớn cho các quốc gia tận dụng để chuyển đổi, tăng tốc phát triển.
![]() |
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc đưa ra các gói hỗ trợ phải đến được đúng đối tượng người dân và doanh nghiệp |
Từ những góc độ trên, theo quan điểm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc có những gói hỗ trợ, kích cầu mới là cần thiết song điều quan trọng là các gói này phải mang tính thực chất với người dân, doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng, trước khi nói đến gói kích cầu kinh tế mới thì cần đánh giá lại các gói hỗ trợ trước đó, phải đánh giá thực chất, hiệu quả của các gói đến đâu, từ đó, gói kích cầu mới thực chất và đúng nơi, đúng mục đích. Theo Bộ trưởng, gói kích cầu đầu tiên là phải tạo thuận lợi cho kích cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bối cảnh hiện tại nên thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Đây là lúc phải định vị lại phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam.
Phân tích sâu thêm về các gói hỗ trợ hiện có, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thẳng thắn cho rằng, các gói hỗ trợ hiện tại còn tập trung vào một số ngành nhập khẩu nhiều, giá trị gia tăng ít, tính lan tỏa cũng ít. “Cần có các hỗ trợ ngành sản xuất tiêu thụ trong nước”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất. Cùng với đó nói như Thứ trưởng Hòang Quốc Vượng, cần các gói hỗ trợ giúp thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, khơi thông thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước.
Còn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà cả các doanh nghiệp lớn cũng đang rất khó khăn. Các chính sách hỗ trợ cần quan tâm thêm đến việc tiếp sức cho các doanh nghiệp đầu tàu để khơi dậy nguồn lực dẫn dắt cả nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Điều này có thể thấy như chính sách giảm giá điện, giảm tiền điện do Bộ Công Thương đề xuất đã được các doanh nghiệp ủng hộ tích cực bởi lợi ích thiết thực mang lại, trong đó có những doanh nghiệp có thể giảm được hàng chục tỷ đồng chi phí tiền điện.
Cho rằng các chia sẻ của lãnh đạo Bộ Công Thương tại buổi làm việc là “rất thẳng thắn và có tầm nhìn”, các chuyên gia Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng đưa ra những đánh giá sâu thêm về bối cảnh hiện tại. Ông Nguyễn Đức Kiên- Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng - chia sẻ quan điểm về sự cần thiết có thêm các gói hỗ trợ mới, song ông cũng đồng ý “vấn đề là liều lượng, thời điểm, đối tượng để hỗ trợ cả cầu lẫn cung”.
Trong khi đó TS.Trần Đình Thiên nhìn nhận, bối cảnh hiện tại khi dịch Covid-19 ở Việt Nam tuy đã được đẩy lùi song khó khăn vẫn còn ở phía trước hay nói cách khác, hình ảnh là “ta đã thắng nhưng ta còn rất yếu”. Vấn đề hỗ trợ là "nhà nước cứu ai" phải thật rõ ràng, phải theo cơ chế thị trường.
“Phải có tư duy cứu ngành nào có tác dụng với nền kinh tế. Để khi nền kinh tế thế giới đứng dậy giữa các doanh nghiệp mạnh của thế giới, cũng phải có doanh nghiệp Việt Nam”- ông Thiên nói.