![]() |
Số lượng hàng kiểm tra chuyên ngành để tại cảng nhiều hơn trước đây. Ảnh minh họa |
Thông tin với Đoàn giám sát số 1 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại buổi làm việc với Cục Thuế và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về công tác triển khai Nghị quyết 19 của Thủ tướng Chính phủ, ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Tân cảng Sài Gòn - cho biết: Ngành hải quan kiểm tra mẫu theo xác xuất nhưng các cơ quan khác thì lấy mẫu 100%. Vì vậy số lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành để ở cảng nhiều hơn so với trước đây, gây khó khăn cho DN.
Ông Tuấn đề xuất, các cơ quan quản lý nên giảm lượng hàng hóa ở cảng, cho hàng về kho riêng của DN để thực hiện theo xu hướng tự chịu trách nhiệm.
Theo đại diện Công ty Đại Tân Việt, nếu như năm 2016 công ty chỉ cần trả 300 triệu đồng cho công tác kiểm tra chuyên ngành thì hiện nay con số này lên đến 700 triệu đồng. Vị này cho rằng, cần thiết kiểm tra theo xác xuất chứ không kiểm tra đại trà, hoặc nên phân cho một cơ quan kiểm tra giảm thiểu chi phí cho DN để gia tăng tính cạnh tranh.
Trước thông tin DN phản ánh, ông Đinh Ngọc Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh - khẳng định: Cục Hải quan đã chủ động cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho DN trung bình 50% thời gian so với trước đây.
Dù vậy, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu còn cao, tỷ lệ này chiếm khoảng 57%. Theo ông Thắng, tỷ lệ vi phạm chuyên ngành không cao và liên lục giảm xuống, thế nhưng quy định quản lý chuyên ngành một cách cứng nhắc trở thành rào cản lớn.
Hải quan thành phố hy vọng, các Bộ, ngành chỉ đạo sâu sát hơn việc thực hiện Nghị quyết 19 và công tác quản lý chuyên ngành. Lý do, kiểm tra chuyên ngành còn nặng nề, mất khá nhiều thời gian, chi phí của DN. Theo Cục Hải quan thành phố, cần sớm áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan…
Liên quan đến các thủ tục thuế, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh - thừa nhận: Dù Cục Thuế thành phố đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin,… giúp người nộp thuế dễ dàng tiếp cận chính sách thuế; tiết kiệm được thời gian, chi phí… tuy nhiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính ở một vài đơn vị chưa mạnh, đội ngũ công chức tại các đơn vị này chưa thấy được ý nghĩa của cải cách hành chính. Vẫn còn một vài công chức thuế chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người nộp thuế có lúc, có nơi chưa tốt.
Đánh giá cao kết quả ngành thuế, hải quan thành phố đã đạt được song ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hiện công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu ở một số đơn vị.
Cụ thể, thủ tục hành chính hải quan còn thiếu sự đồng bộ giữa quy trình thủ tục cũ và mới. Vấn đề hoàn thuế nhập khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng; áp mã hàng hóa hay một số nội dung công việc vẫn thực hiện theo hình thức thủ công đang là vấn đề bất cập...
Về lĩnh vực thuế, ý thức của cán bộ công chức ngành thuế từng bước được nâng cao nhưng ngành thuế thành phố phải cố gắng nâng cao trách nhiệm tác phong của cán bộ thuế hơn nữa. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực thi công vụ của người dân, DN đối với cơ quan thuế.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, sắp tới, ngành thuế và ngành hải quan nên cải cách thủ tục hành chính có trọng tâm, trọng điểm. Cải cách thủ tục hành chính phải gắn với thể chế hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư của DN trong và ngoài nước.