Du lịch là lĩnh vực vẫn đang chịu những tác động tiêu cực do dịch Covid - 19 gây ra. Theo ông, việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp (DN) trong ngành?
![]() |
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch |
Những quyết sách của Chính phủ là kịp thời, thể hiện sự đồng hành chặt chẽ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN, như giảm thuế VAT, giãn, hoãn nộp các loại thuế, bảo hiểm xã hội. Việt Nam đã khống chế dịch thành công, cuộc sống bắt đầu trở lại trạng thái bình thường. Do đó, với DN du lịch, điều họ quan tâm hiện nay là các chính sách, chương trình hành động từ Chính phủ để kích cầu, phục hồi thị trường. Bởi với DN, dịch vụ để tồn tại là phải có khách du lịch; qua đó mọi hoạt động kinh doanh sẽ được vận hành, đồng thời mới giữ chân, duy trì việc làm cho đội ngũ lao động.
TAB và Báo VnExpress vừa có công bố khảo sát khách du lịch nội địa hậu Covid - 19, xin ông cho biết những thay đổi chính về nhu cầu du lịch của người dân hiện nay, và những tác động đến thị trường?
Nhu cầu du lịch của người dân bắt đầu tăng trở lại, song nhu cầu du lịch đã có sự thay đổi khá mạnh mẽ. Đáng chú ý là xu hướng du lịch ngắn ngày, du lịch theo gia đình, nhóm; du lịch an toàn, có ưu đãi và du lịch biển, thiên nhiên; đặt tour qua nền tảng trực tuyến đang là các xu hướng trọng yếu của người dân. Trong đó, xu hướng ưu tiên hàng đầu vẫn là an toàn. Thay đổi này buộc các DN lữ hành, dịch vụ phải sớm bắt nhịp trong thiết kế sản phẩm, để đáp ứng nhu cầu thị trường, cần chú trọng đến việc khai thác dòng sản phẩm theo nhóm gia đình, đây chính là dòng khách tiềm năng trong thời gian tới đây.
Thị trường nội địa được coi là \"cứu cánh\" cho du lịch Việt Nam hậu Covid-19. Vậy giải pháp để kích cầu hiệu quả là gì, thưa ông?
Qua các cuộc hội thảo, hội nghị về kích cầu du lịch, chúng tôi đã nhận diện một số giải pháp để phục hồi ngành du lịch sớm. Theo đó, chương trình kích cầu cần được truyền thông và marketing theo hướng coi đây là cơ hội mang lại lợi ích cho người Việt Nam để khám phá vẻ đẹp của đất nước; đặc biệt cần thúc đẩy truyền thông về dịch vụ, điểm đến du lịch an toàn, an ninh, nhằm giải tỏa tâm lý e dè của người dân. Đồng thời, cần liên kết giữa các đối tác để tạo giá trị gia tăng dịch vụ, như hàng không liên kết với lữ hành, khách sạn; DN lớn cần hợp tác và cam kết không bán sản phẩm kém chất lượng, không bán phá giá, quảng cáo sai sự thật. Mặt khác, khuyến khích cơ cấu lại ngành du lịch, như sản phẩm, DN, quảng bá; tạo cổng thông tin du lịch chính thức để du khách tìm kiếm và nhận thông tin dễ dàng; xây dựng lại chiến lược phát triển du lịch, khuyến khích các địa phương hình thành những tổ chức quản lý điểm đến; khuyến khích DN chuyển đổi số.
Cuối cùng, theo ông, bài học kinh nghiệm cho ngành du lịch khi ứng phó với khủng hoảng là gì?
Nhìn nhận tích cực từ khủng hoảng này là các bài học đắt giá và bổ ích làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức đối với nhiều vấn đề mà đáng lý cần phải thay đổi từ lâu. Riêng với du lịch, bài học rút ra ở đây là trước các cuộc khủng hoảng cần phải kịp thời tổng hợp, phân tích tình hình bằng số liệu khoa học, để có những đánh giá phù hợp. Dịch Covid - 19 đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, DN phải luôn lắng nghe thị trường, tự thay đổi để thích ứng. Thông tin về ngành phải luôn kịp thời, minh bạch, để tạo niềm tin cho cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!
Những chính sách để kích thích người dân đi du lịch như khuyến khích người dân mua dịch vụ du lịch bằng thẻ tín dụng, có lãi suất 0% trong 3 - 6 tháng. Đặc biệt, để kích cầu, cần bảo đảm các yếu tố an toàn trong dịch vụ, điểm đến, vì tâm lý e ngại du lịch sau dịch Covid - 19 của người dân vẫn rất lớn. |