CCN Ngọc Liệp và Yên Sơn (huyện Quốc Oai) có 30 DN với hơn 2.000 lao động, trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) ở đây vẫn diễn ra bình thường. Các DN hoạt động tại CCN đều thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch như: Phun khử khuẩn xe ôtô chở hàng tới khu vực sản xuất; công nhân đeo khẩu trang khi làm việc, được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay tại cổng CCN… Ông Lê Quý Khả - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần (CP) Tomeco An Khang (CCN Ngọc Liệp) - cho biết, bên cạnh việc phát khẩu trang cho người lao động, công ty còn phát Vitamin C miễn phí cho công nhân để nâng cao sức đề kháng trước dịch bệnh...
![]() |
Theo ông Hoàng Nguyên Ưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, ngay khi dịch diễn biến phức tạp, UBND huyện Quốc Oai đã có văn bản yêu cầu Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai, DN kinh doanh hạ tầng CCN... quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Theo đó, DN phải tăng cường cảnh giác, gắn trách nhiệm người đứng đầu DN trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tương tự, tại 11 CCN huyện Thường Tín, các DN đã tuân thủ nghiêm biện pháp phòng dịch. Ban quản lý CCN Quất Động 2 thường xuyên cập nhật tình hình DN trong cụm để nắm bắt kịp thời, báo cáo diễn biến dịch Covid-19 đến UBND huyện Thường Tín và có biện pháp xử lý. Công tác phòng, chống dịch tại các DN đã được triển khai theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Tại địa bàn huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Đức Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm - thông tin, huyện đã liên tiếp có nhiều văn bản đề nghị các DN SXKD tại CCN Phú Thị, Bát Tràng, Kiêu Ky lập danh sách người lao động, chuyên gia đang cư trú trên địa bàn thường xuyên di chuyển, giao thương tại các địa điểm ở địa phương lân cận có xuất hiện ca lây nhiễm, chủ động giám sát khi có các ca bệnh. Do các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch nên đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Nói đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCN trên địa bàn Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội - cho hay, Ban quản lý đã yêu cầu các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN nắm chắc thông tin và yếu tố dịch tễ của người lao động, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ dương tính với Covid-19 tại DN.
Thành lập Tổ an toàn Covid-19
Nhằm ngăn chặn lây lan Covid-19, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 liên quan các KCN, KCX, CCN và cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, đối với các KCN, KCX, CCN trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố giao Ban quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo DN chủ động xây dựng kịch bản phòng, chống dịch khi xuất hiện các ca dương tính với Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch tại DN thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định và biện pháp phòng, chống dịch.
![]() |
Nỗ lực cao nhất bảo đảm an toàn trong sản xuất tại khu, cụm công nghiệp |
Trong báo cáo của Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, đến chiều ngày 20/5, tất cả công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các KCN và KCX Hà Nội đã thành lập Tổ an toàn Covid-19. Theo đó, đã có 296/296 CĐCS tại DN thành lập 1.889 tổ với 7.812 người tham gia. Được ví như những lá chắn thép bảo vệ người lao động (NLĐ), hàng ngày, Tổ an toàn Covid-19 tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân trong tổ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, giám sát về sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở hai vòng (cổng DN và trong nhà xưởng); phát hiện nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định của chính quyền địa phương và quy chế của DN.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại nhất định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các CCN. Theo đó, khoảng cách bố trí công nhân một số vị trí chưa được đảm bảo theo quy định, trang thiết bị y tế còn hạn chế, chưa có nhiều băng rôn tuyên truyền chống dịch tại đơn vị. Nhiều lao động tại CCN phản ánh, để phòng tránh việc lây nhiễm Covid-19, công nhân phải được xét nghiệm, nhưng DN không chi trả kinh phí mà NLĐ phải tự trả gần 1 triệu đồng/lần, trong khi thu nhập đang giảm sút...
Rốt ráo triển khai thực hiện Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND ngày 12/5 của UBND thành phố, góp phần chặn đứng và từng bước đẩy lùi dịch Covid-19, ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhấn mạnh, ngoài mục tiêu bảo vệ con người, chuỗi dây chuyền sản xuất, công tác phòng, chống dịch tốt tại mỗi DN sẽ đóng góp chung cho nỗ lực của toàn thành phố. Quan điểm của TP. Hà Nội là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, do đó, đề nghị UBND các huyện, CCN và cộng đồng DN quan tâm hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh để duy trì ổn định SXKD. DN phải kích hoạt mức phòng, chống dịch cao nhất, xây dựng kịch bản để chủ động ứng phó, xử lý khi có lao động mắc Covid-19.
Ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Yêu cầu các CCN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh; hướng dẫn các DN trong CCN thực hiện đầy đủ khuyến cáo, quy định phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, đặc biệt thực hiện tốt thông điệp “5K”. |