Vùng KTTĐ phía Nam hiện chiếm 42% GDP cả nước, 43% thu ngân sách, trong đó vị trí đứng đầu là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu. Trong các tháng đầu năm nay, cùng với cả nước, các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam đã phải vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, bằng những giải pháp kịp thời, hiệu quả, kinh tế của nhiều tỉnh, thành trong 5 tháng đầu năm nay vẫn giữ được ổn định. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, kể từ khi khởi động lại sau giãn cách xã hội tới nay, hầu hết các hoạt động kinh tế đã dần bình thường trở lại và có khởi sắc hơn.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt 8 tỉnh vùng KTTĐ phía Nam |
Tại buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo chủ chốt 8 tỉnh Vùng KTTĐ phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước) về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ngày 30/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Việt Nam đã thắng lợi bước đầu quan trọng trong phòng chống COVID-19, đồng thời chúng ta thực hiện mục tiêu kép: Kiên quyết chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và không để đổ gãy nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam quý I/2020 vẫn tăng trưởng khoảng 4% và tháng 5 tình hình tốt hơn. Đây là nền tảng bước đầu quan trọng để Việt Nam bước đầu phát triển kinh tế, đặc biệt là Vùng KTTĐ phía Nam.
![]() |
Lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự buổi làm việc |
Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trong các tháng đầu năm, Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhanh chóng triển khai nhiều giải hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh để pháp phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, để đưa kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Vùng KTTĐ phía Nam nói chung phát triển, đón cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư sau dịch, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị: Thủ tướng xem xét, giải quyết để những dự án giao thông có tính chất liên kết giữa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với các tỉnh trong vùng và với miền Tây được nhanh chóng triển khai. Cụ thể là dự án cầu Phước An kết nối với miền Tây thông qua cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright: Nếu nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén, đang bung ra hậu dịch COVID-19 thì Vùng KTTĐ phía Nam phải là lò xo bung ra mạnh nhất khi chiếm trên 45% GDP cả nước. Vùng có thiên thời là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phải có liên kết vùng thì sẽ có địa lợi. |
Về phía tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh này đề nghị bố trí vốn cho đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một cũng như ủng hộ chủ trương kéo dài 1,8km tuyến metro số 1 TP. Hồ Chí Minh bằng vốn vay ODA Nhật Bản. Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai kiến nghị phải triển khai cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Liên Khương để đón đầu sân bay Long Thành. Còn Long An, Tây Ninh, Bình Phước kiến nghị sớm bố trí vốn cho dự án giao thông kết nối như đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Chơn Thành - Đức Hòa, TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang, đường sắt từ Dĩ An đi Hoa Lư…
Về mục tiêu phát triển kinh tế năm 2020, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Phước và Tây Ninh đã cam kết với Thủ tướng sẽ không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn và thu ngân sách, dù 4 tháng đầu năm, sản xuất và kinh doanh đều sụt giảm.
Ghi nhận kiến nghị của các tỉnh, thành Vùng KTTĐ phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ giải quyết cụ thể từng kiến nghị. Theo đó, với từng kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu đề án về cơ chế đặc thù cho vùng KTTĐ, trong đó có Vùng KTTĐ phía Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một gói hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương đầu tư sớm một số công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, cấp bách; Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh ngay quy hoạch sử dụng đất để dành đất cho các khu công nghiệp, khu đô thị phù hợp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương, của vùng, quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới.
Ngay trước buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát việc triển khai các dự án nằm trong quy hoạch hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể là các dự án tại Cảng Cái Mép và Cảng Thị Vải. Tiếp đó tại khu công nghiệp Hyosung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng đã nghe báo cáo về tiến độ triển khai các dự án của Công ty hóa chất Hyosung Vina với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD. |