Giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh gần 650.000 học sinh trong 6 tháng đầu năm

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác tuyển sinh GDNN gặp nhiều khó khăn, theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có những giải pháp tập trung vào 3 nội dung: Tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung về mặt xây dựng thể chế; Đề xuất những nội dung cần Tổng cục GDNN hỗ trợ và nội dung triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-CP để triển khai thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo “mục tiêu kép” trong thời gian tới.

Tỷ lệ tuyển sinh thấp

6 tháng đầu năm 2021, dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, Tổng cục GDNN đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ năm 2021, tập trung vào 5 trọng tâm gồm: chỉ đạo hệ thống GDNN ứng phó với dịch bệnh Covid-19; (chỉ đạo tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới tuyển sinh và hình thức đào tạo phù hợp với bối cảnh mới; kịp thời tổ chức làm việc và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương (trực tiếp và trực tuyến) để cùng nhận diện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở GDNN.

Báo cáo Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục GDNN (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm, cả nước tuyển sinh được 645.000 người (đạt 27,2% kế hoạch năm 2021, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng là 45.000 người (đạt 7.5% kế hoạch), trình độ sơ cấp và các chương trình GDNN khác là 600.000 người (đạt 34% kế hoạch). Số lao động nông thôn được đào tạo 350.000 người, trong đó số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 40.000 người. Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt thuộc các lĩnh vực như: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Du lịch.

Giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh gần 650.000 học sinh trong 6 tháng đầu năm

Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ tuyển sinh đạt thấp, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở GDNN khó tiếp cận với các trường THCS, THPT để thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, hình thức tuyển sinh trực tuyến chưa thu hút được nhiều người tham gia. Đồng thời, 6 tháng đầu năm không phải là thời điểm tuyển sinh/mùa tuyển sinh của GDNN vì thời điểm này chưa kết thúc năm học của GDPT và chưa qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, tuyển sinh GDNN chỉ thực sự bắt đầu cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7 – 11 hàng năm.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của GDNN. Tham mưu trình Bộ ban hành kế hoạch truyền thông GDNN giai đoạn 2021-2025. Tăng cường các hoạt động truyền thông, phản ánh kịp thời các sự kiện, vấn đề được dư luận quan tâm như vấn đề dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN, xây dựng chiến lược GDNN...

Tổ chức triển khai đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách khác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm giới thiệu việc làm ở các địa phương. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động tại các tỉnh bị thiên tai, biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long và lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo…

Triển khai tốt các chính sách hỗ trợ người lao động

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 do Tổng cục GDNN tổ chức mới đây, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội – cho biết, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh trong 6 tháng cuối năm, cần kiên định và nỗ lực tối đa để đạt được mục tiêu đề ra. Tập trung, ưu tiên Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm thực hành theo vùng” theo ý kiến Kết luận số 1186-KL/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…

Trong đó, tập trung triển khai tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Coivd-19 về nội dung chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với người sử dụng lao động hiểu và triển khai được chính sách này.

Cùng với đó, hệ thống GDNN cần phối hợp với các doanh nghiệp để chỉ đạo xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng. Đây là lần đầu tiên, gói hỗ trợ cho phép sử dụng khoảng 4.500 tỷ đồng để dành cho công tác đào tạo phục hồi giữ chân người lao động hậu Covid-19. Đây là thời cơ “vàng” với doanh nghiệp khi được hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo cho người lao động.

Về tập trung xây dựng công tác xây dựng thể chế, triển khai các hoạt động thường xuyên như tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10; Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021; Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu GDNN năm 2021... tinh thần phù hợp với điều kiện thực tế và công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, năng lực phân tích, dự báo, chủ động trong điều hành, kiên trì thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Trang Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận