Bộ Công Thương: Minh bạch thông tin về cơ chế giá và kết quả kiểm tra thực hiện điều chỉnh giá điện |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc dù Bộ Công Thương và EVN công bố tăng giá điện thêm 8,36% song ngay trong tháng đầu tiên (từ 20/3 đến hết tháng 4), nhiều khách hàng phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao hơn mức 8,36%, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích, phản ánh của một số khách hàng về hoá đơn tiền điện trong tháng 4/2019 tăng đến 30-40% chỉ là cá biệt vì một số cá nhân, hộ gia đình sử dụng điện chưa phù hợp, không tiết kiệm. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác đã được Bộ Công Thương và EVN giải trình trước công luận.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Tiếp tục kiểm tra, rà soát và giải trình là hoàn toàn phù hợp, việc làm này sẽ tạo sự công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân |
“Điều quan trọng nhất, theo tôi là sau khi quyết định điều chỉnh tăng giá điện và nhận được phản ứng của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan (Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… ) tổ chức kiểm tra, đánh giá và giải trình trước nhân dân là phù hợp và kịp thời” – Đại biểu Phương nói và cho biết thêm, việc kiểm tra, đánh giá vừa qua tập trung vào việc xem xét có hay không những điều gì bất hợp lý, có hay không dấu hiệu mang lại lợi ích bất hợp lý cho EVN.
Cũng theo vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, vừa qua dư luận phản ứng về hoá đơn tiền điện tháng 4/2019 tăng có nguyên nhân từ việc người dân chưa nắm bắt rõ về phương pháp tính giá điện, về nguyên nhân tăng chi phí trong hoá đơn tiền điện, thậm chí chưa tính toán được chính nhu cầu và cách thức sử dụng điện của mình.
Trước phản ứng đó, việc kiểm tra, giải trình của Bộ Công Thương và EVN là phù hợp và kịp thời. Hơn thế, Chính phủ cũng ngay lập tức giao các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra, nếu việc tăng giá điện là bất hợp lý và có dấu hiệu mang lại lợi ích không chính đáng cho EVN và làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng, của người dân thì chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm.
Phân tích sâu hơn, Đại biểu cho rằng, trong điều kiện nguồn điện chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng thì việc tính toán theo hướng sử dụng nhiều thì chi phí tăng là hợp lý, cách tính toán này còn giúp người dân tiết kiệm trong sử dụng điện.
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV sáng ngày 20/5, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các phương án tính giá điện bậc thang trong thời gian tới để phân loại rõ các đối tượng sử dụng điện để có phương án hỗ trợ, trợ giá phù hợp, công bằng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, đây là chỉ đạo phù hợp, và việc hỗ trợ giá điện cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo là việc làm rất cần thiết vì đây là những đối tượng khó khăn. Tuy nhiên, cần có rà soát, đánh giá chính xác để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp chứ không nên hỗ trợ dàn trải, gây tâm lý ỷ lại vào chính sách.
“Đối tượng nào thực sự nghèo, không có khả năng chi trả thì cần hỗ trợ hoàn toàn. Với những đối tượng có điều kiện sản xuất, có khả năng chi trả thì mức hỗ trợ cần phải giảm” – Đại biểu Phương nêu quan điểm và bổ sung, việc Chính phủ tiếp tục giao cho các cơ quan chức năng thanh tra, đánh giá tác động và có giải trình chi tiết hơn về việc tăng giá điện là do dù Bộ Công Thương và EVN đã có báo cáo giải trình song dư luận vẫn chưa thực sự đồng thuận. Do đó, Chính phủ tiếp tục yêu cầu kiểm tra, rà soát là hoàn toàn phù hợp, việc làm này sẽ tạo sự công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.