![]() |
Ðời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn |
Nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược
Theo ông Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình, với 5 mục tiêu lớn, chia làm 22 nhóm vấn đề, chương trình sẽ tập trung vào 5 nội dung, bao gồm: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc từ đổi mới (1986) đến nay, để nhận diện các vấn đề mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến DTTS và chính sách dân tộc, đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển bền vững; Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc từ đổi mới đến nay; Nghiên cứu xây dựng các khung chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng DTTS đến năm 2030; Nghiên cứu đề xuất quan điểm, giải pháp phát triển bền vững vùng DTTS và thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các DTTS và chính sách dân tộc, phục vụ công tác hoạch định và thực hiện hiệu quả, lâu dài chính sách dân tộc.
Kết quả của các nghiên cứu này sẽ là những luận cứ khoa học nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các DTTS; từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Để hoàn thành mục tiêu của chương trình, dự kiến có khoảng 50 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia dưới dạng đề tài, dự án sẽ được thực hiện từ 2016 - 2020. “Đến nay, chương trình đã xác định và phê duyệt 21 nhiệm vụ đặt hàng để đưa ra tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện từ năm 2016 - 2017. Trong đó có 8 nhiệm vụ đã ký hợp đồng, 17 nhiệm vụ đã mở hồ sơ, 6 nhiệm vụ đang tuyển tổ chức, cá nhân thực hiện” - ông Nguyễn Cao Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thông tin.
Cần sự phối hợp chủ động và tích cực
Với mong muốn chương trình sẽ là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển và lớn mạnh trong hoạt động KHCN phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBDT, tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều bộ, ngành đã trực tiếp thảo luận, cho ý kiến về các danh mục nhiệm vụ mà chương trình đặt ra.
Chia sẻ về những thành công của Chương trình Tây Nguyên 3 và Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020, tiến sĩ Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm chương trình cho rằng: Những mục tiêu, nội dung, kinh phí của chương trình chỉ là dự kiến và dự toán; quá trình thực hiện sẽ có nhiều phát sinh ngoài dự kiến. Chính vì vậy, Ban Chủ nhiệm chương trình phải lưu ý đến những phát sinh này để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, những cơ sở dữ liệu có được trong quá trình nghiên cứu là “tài nguyên chất xám” nên cần sử dụng công nghệ để xây dựng, lưu giữ các cơ sở dữ liệu số và Atlas điện tử để dễ truy xuất, truy cập. Cũng về vấn đề cơ sở dữ liệu, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm thông tin (UBDT), nhìn nhận: “Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước nói chung thường rời rạc, tản mạn và không có sự kết nối, chia sẻ tài nguyên với nhau. Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu về DTTS và chính sách dân tộc chưa được tổ chức, cập nhật và tổng hợp phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Chính vì vậy, cần có một đề tài triển khai một cách khoa học và đồng bộ để có một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất chuẩn quốc gia về DTTS và chính sách dân tộc trên phạm vi toàn quốc”.
Đánh giá cao tầm quan trọng của sự phối hợp với các địa phương, Bộ, ngành trong quá trình triển khai các chương trình KHCN, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị An (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định: “Với chương trình “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ cũng sẽ là yếu tố quan trọng để chương trình triển khai thuận lợi và đạt kết quả tốt nhất”.