FDI vẫn là nguồn vốn quan trọng

Dù khu vực DN FDI đã bộc lộ một số tồn tại... song khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài - cho rằng, FDI vẫn là nguồn vốn quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
\"\"
Lắp ráp ôtô tại Công ty Toyota Việt Nam

Ông đánh giá như thế nào về tình hình thu hút vốn FDI của Việt Nam sau 30 năm?

Đến nay, Việt Nam thu hút được 23.272 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 305,6 tỷ USD. Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 157 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng vốn FDI đăng ký; gần 150 tỷ USD chưa được giải ngân.

Phải nói thêm rằng, vốn FDI giải ngân trong những năm gần đây ngày càng tích cực. Cụ thể, giai đoạn 1991- 2001, vốn FDI giải ngân bình quân đạt 3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay, FDI giải ngân đạt trung bình khoảng 8 tỷ USD/năm. Riêng năm 2016, giải ngân đạt xấp xỉ 15 tỷ USD, chiếm 20-21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là kết quả ấn tượng, cho thấy dòng vốn FDI đã đi vào thực chất hơn.

\"\"
GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài

Nhiều ý kiến cho rằng, khu vực DN FDI thời gian qua bộc lộ nhiều tồn tại và không đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là thời gian qua, có rất nhiều ý kiến khác nhau về đóng góp của khu vực DN FDI vào phát triển kinh tế - xã hội. Có ý kiến cho rằng, FDI gây ô nhiễm môi trường, không thực hiện chuyển giao công nghệ, chuyển giá... điều đó là có. Song theo tôi, bên cạnh những tồn tại, nguồn vốn FDI vẫn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam. Thực tế cho thấy, FDI chiếm khoảng 22-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tùy từng giai đoạn). Chẳng hạn như giai đoạn 1991- 1997, vốn FDI chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Giai đoạn gần đây, các DN trong nước phát triển mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế thì vốn của khu vực FDI đóng góp khoảng 20-22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Bên cạnh đó, khu vực DN FDI cũng đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước với khoảng 15-19%/năm. Đối với công nghiệp, 50% giá trị sản xuất ngành công nghiệp hiện nay là của khu vực này. Trong đó, ngành công nghiệp như khai thác dầu khí, công nghệ sản xuất máy tính, điện thoại, ôtô... phần lớn là của DN FDI.

Với điều kiện hiện nay, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có ưu thế rõ rệt và nổi lên như điểm sáng về thu hút vốn FDI.

Về xuất khẩu, khu vực DN FDI cũng đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 4 tháng đầu năm, khu vực DN FDI xuất siêu 5,75 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 2,74 tỷ USD.

Ông từng nói, một trong những ưu điểm của DN FDI là đào tạo lao động tay nghề cao. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

Tính đến nay, khu vực DN FDI đã tạo việc làm cho khoảng 4 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Rất nhiều lao động của Việt Nam là nhà quản lý, kỹ sư phần mềm,... sau một thời gian làm việc tại các DN FDI, tích lũy đủ kinh nghiệm đã quay lại làm việc tại DN trong nước hoặc một bộ phận lớn tách ra thành lập công ty riêng và có hiệu quả kinh doanh rất tốt. Như vậy, có thể nói, vốn FDI góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - điều mà Việt Nam đang thiếu và yếu.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hòa thực hiện
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận