![]() |
Điện lưới quốc gia đã được kéo lên nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa |
Theo đó, để phục vụ phát triển, cải tạo, nâng cấp mở rộng lưới điện nông thôn tại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, EVN đã sử dụng nguồn vốn ODA trị giá gần 2 tỷ USD vay từ các tổ chức và ngân hàng quốc tế. Từ nguồn vốn này, các đơn vị của EVN đã tập trung nâng cao độ an toàn, ổn định, cũng như chất lượng cung cấp điện của lưới điện nông thôn. Nhờ đó, chất lượng điện ở khu vực này được cải thiện rõ rệt, đáp ứng tiêu chí số 4 về cung cấp điện. Gần 2 triệu hộ dân nông thôn không chỉ có điện để sinh hoạt, mà nay còn có đủ điện để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy - hải sản.
Bên cạnh đó, căn cứ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn của Tập đoàn, EVN đã thực hiện nhiều dự án như: Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, nhằm góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự xã hội (với tổng vốn hơn 5.500 tỷ đồng). Cụ thể, cấp điện lưới cho 369 xã và gần 400.000 hộ dân nông thôn chưa có điện tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, giai đoạn 2011-2020, EVN còn tập trung dành nguồn vốn không nhỏ (hơn 6.100 tỷ đồng), đầu tư hệ thống điện cung cấp cho hơn 140.000 hộ dân trên các huyện đảo, xã đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và đặc biệt là góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo. Tiêu biểu phải kể đến các công trình xuyên biển đậm dấu ấn EVN như: Đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển ra các huyện đảo: Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và các xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Tre (Kiên Giang), Quan Lạn, Minh Châu, Cái Chiên, Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi (Quảng Ninh), xã đảo Thạnh An (TP. Hồ Chí Minh)...
Ngoài ra, để tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện đạt tiêu chí (95%), EVN đã thực hiện việc cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn cho gần 6.000 xã sau khi tiếp nhận từ các tổ chức quản lý điện địa phương, bình quân 3 tỷ đồng/xã.
Đồng hành cùng Chương trình xây dựng nông thôn mới, bằng nỗ lực mở rộng diện cấp điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện trong 10 năm liên tục, đến nay, EVN cùng các đơn vị thành viên đã góp phần quan trọng để hơn 8.000 xã trong cả nước đạt tiêu chí số 4 với 90,7% (tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với năm 2015). Trong đó, các tỉnh/thành phố có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí điện, gồm: Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.
Giai đoạn 2011 - 2015, EVN và các đơn vị thành viên đã huy động được nguồn lực xây mới, cải tạo lưới điện nông thôn 50.100 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2019 là 81.700 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. |