“Đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên

Việt Nam có chung 4.510 km đường biên giới trên bộ với 3 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Từ lâu đời, cư dân 2 nước có chung biên giới đã có các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Đây chính là nền móng để phát triển hoạt động thương mại biên giới ngày nay.
\"\"
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) là nơi giao lưu và thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào

Đẩy nhanh tốc độ phát triển vùng biên giới

25 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc, 10 tỉnh biên giới của Lào, 9 tỉnh biên giới của Campuchia. Những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới đất liền ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Thương mại biên giới, tính đến hết năm 2015, trên toàn tuyến biên giới đã có 24 cửa khẩu quốc tế, 26 cửa khẩu chính, 86 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn lối mở. Đã có 28 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có tổng số 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Hệ thống cửa khẩu và chợ biên giới đã góp phần đưa tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu biên giới năm 2015 đạt 27,56 tỷ đô-la Mỹ, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm 85%, tuyến biên giới Việt - Lào chiếm khoảng 4% và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm 11%.

Những năm qua, các chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế  - xã hội vùng dân tộc và miền núi của Nhà nước ta cũng được xây dựng, đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với an ninh quốc phòng khu vực biên giới các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, vùng căn cứ địa cách mạng, an toàn khu… Nhờ đó, đời sống dân cư khu vực cửa khẩu biên giới mấy năm trở lại đây đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Đặc biệt, thương mại biên giới không chỉ góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu của các tỉnh biên giới, mà hơn thế còn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động ở các xã biên giới, hình thành các điểm tập trung dân cư mới như: thị tứ, thị trấn, thị xã và các thành phố dọc tuyến biên giới…

Tạo điều kiện cho đồng bào tham gia phát triển kinh tế biên mậu

Thực tế, khu vực biên giới thường là nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số - nơi có xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất chưa phát triển, không đủ hàng hóa để trao đổi, trình độ canh tác đơn giản, sản phẩm hàng hóa chưa có sức cạnh tranh. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại ở các vùng biên giới.

Chính vì vậy, để thúc đẩy thương mại biên giới, bên cạnh các cơ chế điều tiết biên mậu linh hoạt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, cần tập trung đồng bộ hạ tầng vùng biên giới. Trong đó, ưu tiên cho vùng có điều kiện phát triển trước. Hiện vẫn còn không ít địa phương, đường từ trung tâm đến cửa khẩu còn nhiều đoạn nhỏ hẹp, gồ ghề…, ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyên chở hàng hóa của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để đồng bào không bị lạc hậu, tụt lùi khi thương mại biên giới mở rộng về quy mô, chất lượng, phải chú trọng đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho đồng bào nghèo trong các khu kinh tế cửa khẩu để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm.

Song song với việc quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, có thể tham gia xuất khẩu ở khu vực biên giới; cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chuyên hợp tác hoạt động biên mậu gắn với ngành hàng và các địa bàn biên giới. Trong đó, tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số...

Phương Tú
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận