Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Lo thiếu vốn

Tình trạng thiếu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện vẫn còn phổ biến dù trên thị trường, khá nhiều gói tín dụng đã được các ngân hàng thương mại đưa ra. 
\"\"
Điều kiện cho DNNVV vay vốn cần thông thoáng hơn 

Báo cáo kinh tế vĩ mô triển vọng thị trường tháng 9/2017 của Ngân hàng HSBC cho thấy, sự bất cân xứng trong việc phân bổ nguồn vốn khi vốn tiếp tục được ưu tiên cho bất động sản, DN nhà nước. Báo cáo dẫn chứng những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận: DN nhà nước đang hấp thụ lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với DNNVV. 

Cũng theo một cuộc khảo sát của WB về DN Việt Nam, chỉ 29% số DN nhỏ (từ 1- 20 nhân viên) có một hạn mức tín dụng chủ động, còn DN nhà nước và công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường. Do đó, việc phân bổ tín dụng không đều giữa các khu vực kinh tế nếu không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai. 

Thực tế, thiếu vốn tiếp tục là rào cản đối với sự phát triển của DN, nhất là DNNVV. Theo chia sẻ của đại diện Công ty Màu xanh Thế Kỷ - DN chuyên xuất khẩu hàng hóa, nguồn vốn lưu động của DN thường nằm rất lâu tại hệ thống phân phối nước ngoài. Thiếu vốn xoay vòng, DN buộc phải \"gõ cửa\" ngân hàng song rất khó tiếp cận vốn. 

Thiếu tài sản bảo đảm cũng khiến DN khó được ngân hàng cho vay vốn. Điển hình như Công ty TNHH Điện máy Tú Minh Quang (Đồng Nai) - chuyên kinh doanh sản phẩm điện lạnh. Dù hoạt động kinh doanh khá ổn định với lượng khách hàng đều đặn, nguồn hàng bảo đảm chất lượng, tuy nhiên, công ty không thể mở rộng kinh doanh vì thiếu vốn (ngân hàng từ chối cho vay vì DN không đứng tên trực tiếp tài sản nào). 

Phân tích nguyên nhân DNNVV khó tiếp cận vốn, đại diện Khối DNNVV của VPBank nhấn mạnh: DN khi tiếp cận ngân hàng thiếu tài sản bảo đảm; có dòng tiền, bạn hàng nhưng chưa có tài sản tích lũy. Ngoài ra, DNNVV không có hệ thống quản lý tài chính rõ ràng, không quản lý được dòng tiền khiến ngân hàng gặp khó khi áp dụng quy trình cho vay thông thường. 

Nhận rõ khó khăn của cộng đồng DN, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tín chấp. Theo đó, các ngân hàng thương mại như ACB, BIDV, Vietinbank, Maritime Bank, VPBank, ABBANK, ACB... đều đã có những hạng mục vốn cho DNNVV vay tín chấp. Cụ thể, PVcomBank tung gói ưu đãi vay \"Linh hoạt cấp vốn - Đột phá tăng trưởng\" hạn mức 1.500 tỷ đồng. Theo gói ưu đãi này, DN siêu nhỏ tham gia được hưởng lãi suất vay vốn từ 7,5%/năm. Trong khi đó, BIDV triển khai gói tín dụng \"Đồng hành cùng DN siêu nhỏ\" với ưu đãi lãi suất chỉ từ 6,8%/năm áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng. Ngân hàng VietinBank cũng xây dựng cơ chế chính sách với 3 hình thức cấp tín dụng cơ bản cho khách hàng DNVVN bao gồm: Cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm; cấp tín dụng có một phần tài sản đảm bảo; cấp tín dụng có tài sản đảm bảo. 

Thảo -Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận