![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc |
Nỗ lực của thành phố Cần Thơ chắc hẳn đã mang lại nhiều thành quả đáng ghi nhận, thưa ông?
Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương, cộng với những nỗ lực của thành phố Cần Thơ, nhiều công trình lớn, trọng điểm đã được triển khai và đưa vào khai thác như: Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; cầu Cần Thơ; đường nối thành phố Vị Thanh- Cần Thơ; quốc lộ 91B; quốc lộ Nam sông Hậu; Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn đã vận hành tổ máy số 1 (công suất 330MW), đang khẩn trương hoàn thành tổ máy số 2 (công suất 330MW); đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ (giai đoạn 2) đang chuẩn bị triển khai; cảng Cái Cui đi vào hoạt động; luồng Định An từ biển Đông vào các cảng trên sông Hậu đang được nạo vét, duy tu; 13 nhà máy cấp nước sạch có công suất 166.000 m³/ngày đêm đang hoạt động... Trong thời gian tới, cầu Vàm Cống được xem là lớn tương đương cầu Cần Thơ, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, sẽ kết nối mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bảo đảm giao thông thông suốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của khu vực.
![]() |
Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ |
Ông có thể khái quái một số kết quả thu hút đầu tư cũng như tình hình kinh tế- xã hội của Cần Thơ hiện nay?
Các doanh nghiệp và những dự án đầu tư trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư.
Tính đến cuối tháng 6/2016, thành phố có 399 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư 91.040 tỷ đồng, gồm: 69 dự án FDI đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore..., vốn đầu tư 23.688 tỷ đồng, tương đương 1.128 triệu USD; 330 dự án đầu tư trong nước, vốn đầu tư 67.352 tỷ đồng, tương đương 3.207 triệu USD. Đặc biệt, trong các năm 2014 - 2015, thành phố đã thu hút được các tập đoàn kinh tế trong nước có tiềm lực tài chính vững mạnh như: Vingroup, Nguyễn Kim, FPT...
Hiện thành phố có trên 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu… với tổng số vốn đăng ký kinh doanh 96.633,5 tỷ đồng, chiếm 26% số doanh nghiệp vùng ĐBSCL, đóng góp trên 60% GDP của thành phố. Cần Thơ cũng tăng cường huy động nguồn vốn ODA cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại để hỗ trợ giảm nghèo. Thời gian qua, thành phố đã thu hút 15 dự án ODA với tổng mức đầu tư trên 13.279 tỷ đồng; trong đó vốn ODA 9.986 tỷ đồng, vốn đối ứng 3.293 tỷ đồng.
Một trong những yếu tố tạo nên những thành quả đó là thành phố luôn coi trọng công tác cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao..., tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần giúp kinh tế - xã hội thành phố phát triển toàn diện.
Tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ luôn đạt mức khá, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2016 ước đạt 65,3 triệu đồng/người/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,81. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản chiếm 9,33%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,81%, dịch vụ chiếm 58,86%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện. Năm 2015, Cần Thơ xếp hạng 14/64 tỉnh, thành phố trong cả nước và 5/13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL. Cần Thơ đã được cộng đồng doanh nghiệp công nhận có môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện.
Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Cần Thơ trong thời gian tới?
Thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 08/KH-UBND triển khai thực hiện chủ đề năm 2016 là “Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”, trong đó giao các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện triển khai thực hiện 24 nhiệm vụ và 52 nội dung công việc cụ thể, chủ yếu là tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Với quan điểm “thành công của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là thành công của thành phố”, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 21/3/2016 về tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI, giao các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện nghiêm túc thực hiện 12 nội dung, nhiệm vụ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính, xem đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; tăng cường đối thoại, giao lưu trực tuyến; tiếp nhận, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đầu tư kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng, điện năng...
Với quyết tâm trở thành “điểm đến” của các nhà đầu tư, Cần Thơ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, tăng cường đối ngoại, quan hệ chính trị, hữu nghị giữa thành phố với các địa phương trong cả nước cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thành phố trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Xin cảm ơn ông!
Trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. |