Địa phương và doanh nghiệp: Chủ động bình ổn thị trường cuối năm

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) tập trung triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo nguồn hàng cho thị trường.
\"\"
Giá hàng hóa cuối năm sẽ không biến động lớn?

CPI tăng nhẹ

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, cuối tháng 10 và tháng 11/2015, thị trường hàng hóa đã bắt đầu sôi động với các hoạt động chuẩn bị nguồn cung hàng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2016. Nguồn cung hàng hóa đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên giá cả không nhiều biến động. CPI tháng 11 tăng 0,07% so với tháng trước. Trong cơ cấu CPI tháng 11, nhóm nhà ở vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất là 0,32%; tiếp đến, nhóm lương thực tăng 0,31%… Như vậy, sau 11 tháng 2015, CPI mới tăng 0,59% so với tháng 12/2014 và tăng 0,64% so với cùng kỳ.

Đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: 4 yếu tố khiến CPI tháng 11 tăng nhẹ:

Thứ nhất, chỉ số giá lượng thực tăng do các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines.

Thứ hai, miền Bắc đang vào tháng giao mùa nên nhu cầu về quần áo, giầy dép thu đông tăng cao.

Thứ ba, giá gas tăng thêm gần 4% kể từ đầu tháng 11 cũng tác động đến CPI.

Thứ tư, nhu cầu thực phẩm tươi sống dịp cuối năm tăng cũng là những yếu tố tạo nên xu hướng tăng của CPI tháng 11/2015.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản của tháng 11 (loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tăng khoảng 0,05% so với tháng trước, tăng 1,72% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 2,08% so với cùng kỳ.

Giá hàng hóa sẽ không biến động lớn

Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- nhận định: Tháng 12 cận kề Tết Dương lịch 2016 và Tết Nguyên đán Bính Thân nên nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, vật tư nông nghiệp (cho sản xuất vụ đông xuân) gia tăng. Tuy nhiên, do nguồn cung bảo đảm, mặt bằng giá thế giới thấp nên giá hàng hóa trong nước sẽ không biến động lớn.

Ông Quyền cho biết thêm, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị 18/CT-BCT về thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu bình ổn thị trường cuối năm 2015 và dịp Tết Bính Thân 2016. Đồng thời, chuẩn bị các đoàn công tác làm việc với các bộ, ngành địa phương về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết. Đến thời điểm này, 7/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường cuối năm.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng trị giá tiền hàng khoảng 2.566 tỷ đồng, triển khai bán hàng bình ổn tại 1.164 điểm.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…, Tổ điều hành thị trường trong nước kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với sở, ngành các địa phương tạo điều kiện cho DN sản xuất- kinh doanh, tham gia chương trình bình ổn thị trường, tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp để đầu tư cho sản xuất, phát triển kênh phân phối...

Bộ Công Thương đã có Chỉ thị 18/CT-BCT về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu bình ổn thị trường cuối năm 2015 và dịp Tết Bính Thân 2016.
Thúy Hà
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận