Còn độ vênh trong cơ chế chính sách
Chia sẻ tại Toạ đàm trực tuyến "Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp" diễn ra chiều ngày 3/11, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng)- cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 cho thấy, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định pháp luật để thúc đẩy phát triển loại hình này.
"Điển hình như về cơ chế chính sách ưu đãi chưa thực chất, chưa thiết thực để chủ đầu tư tham gia. Các cơ chế chính sách này thực chất không phải dành cho chủ đầu tư, bởi trong Luật Nhà ở và các quy định liên quan, các chính sách ưu đãi về đất đai không được tính vào giá thành đầu tư, như vậy, chính sách chỉ dành cho người dân, chưa thực chất đối với chủ đầu tư, chưa thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia thực hiện các công trình này", ông Hà Quang Hưng dẫn chứng.
![]() |
Toạ đàm trực tuyến "Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp" diễn ra chiều ngày 3/11 |
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có cơ chế chính sách riêng về 10 nhóm đối tượng nhận ưu đãi, đó là nhóm công nhân khu công nghiệp. Cơ chế riêng cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân cũng chưa sát thực tế bởi thực chất rất ít chủ đầu tư được thụ hưởng bởi thường các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thì không có chức năng ngành nghề đầu tư xây dựng nhà ở nên rất ít doanh nghiệp được hưởng chính sách này.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền- cho hay, mặc dù chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, tuy nhiên trên thực tế khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đồng thời việc đầu tư của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, thiếu hụt nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân. Theo Điều 9, Nghị định 100/NĐ-CP quy định: “Chủ đầu tư dự án được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng tại Việt Nam”. Nhưng thực tế do nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức tín dụng dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Theo tính toán từ Bộ xây dựng, đến 2020, nhà nước phải bố trí được 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội nhưng hiện, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 mới có 2.163 tỷ đồng. Con số này chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong khi đó các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định gồm 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội và cũng chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội.
Không chỉ thiếu hụt nguồn vốn, thiếu hụt quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân cũng đang là vấn đề tồn tại. Theo đó, mặc dù Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và Quyết định số 665/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng tại nhiều địa phương quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trong khu công nghiệp chưa có sẵn để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư. "Hầu hết doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do các chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đã ban hành chưa đủ hấp dẫn”, ông Phạm Hồng Điệp cho hay.
Cần chính sách đồng bộ để xây dựng nhà ở công nhân
Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam- nhận định, tại Việt Nam, các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính “may sẵn”.Việc đầu tư hạ tầng xã hội khu công nghiệp chưa mang tính đồng bộ; nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu. Nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp chưa được đầu tư như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám…
Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, sự đồng bộ trong phát triển khu công nghiệp, quy hoạch, giao thông, tiện ích công cộng, nhà ở cho từng khu vực sẽ giúp phát triển hài hòa, giảm tình trạng dồn dân cơ học về các thành phố trong thời gian qua.
Đề xuất chính sách phát triển hạ tầng xã hội khu công nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, (Bộ Tài nguyên và Môi trường)- cho rằng, cần chính sách đồng bộ để xây dựng nhà ở công nhân. Theo đó,Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó xem xét, bổ sung một gói để thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê; trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân lao động, để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn.
Về phía doanh nghiệp, bên cạnh việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018, ông Phạm Hồng Điệp cũng kiến nghị, Bộ Xây dựng cần sớm phối hợp các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này trình Quốc hội ban hành. Việc này, sẽ tháo gỡ được hai nút thắt lớn nhất hiện nay về việc phát triển nhà ở cho công nhân, đó là nhà đầu tư và quỹ đất sạch xây dựng nhà ở cho công nhân.
TS. Nhạc Phan Linh- Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn, với tổng diện tích khoảng 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2. |