Dán tem lên trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc: Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc

Dưa hấu, chuối, mít phải dán tem nhãn mác chữ Trung Quốc đầy đủ để đáp ứng yêu cầu về truy nguồn gốc, xuất xứ; Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan từ ngày 1/5; Người nắm giữ thị trường là người quyết định chuỗi sản xuất hàng hóa?. TS. Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Tem có chữ Trung Quốc dán trên dưa hấu là tem truy xuất nguồn gốc

3 loại trái cây là dưa hấu, chuối, mít phải dán tem nhãn mác đầy đủ và từ ngày 1/5/2019, các nguyên vật liệu bao gói nếu không đáp ứng được quy định thì cũng không được phép nhập khẩu (NK) vào thị trường Trung Quốc. Ông có thể cho biết thông tin cụ thể về việc này?

Từ ngày 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc.

Có 3 đặc điểm chính sau: Thứ nhất, dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc. Thứ hai, doanh nghiệp (DN) XK chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

\"dan
Trái cây Việt dán tem Trung Quốc: Chỉ là tem truy xuất nguồn gốc Ảnh: TTXVN

Thứ ba, từ ngày 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Ngoài ra, đối với mít yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Còn đối với chuối, yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).

Các loại trái cây của Việt Nam xuất bán phải dán tem có chữ Trung Quốc. Việc dán tem nhãn này là như thế nào và có phù hợp với quy định không, thưa ông?

Quy định dán nhãn này là để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc được Trung Quốc bắt đầu thực hiện chặt từ tháng 5/2018, đây là một giải pháp để đảm bảo những nông sản đó có xuất xứ nguồn gốc hàng hóa của Việt Nam chứ không phải là sản phẩm của một nước thứ ba, tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc để hưởng ưu đãi về thuế.

Tem này mặc dù là tiếng Trung Quốc nhưng mã QR Code khi scan lên sẽ biết được dưa hấu đó là của Việt Nam và đi từ huyện nào, tỉnh nào, DN XK của Việt Nam.

Các công ty được phép làm công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch cũng như được phép xác định truy xuất nguồn gốc của Việt Nam, trong đó có công ty làm công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch của Trung Quốc là Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) đã được Chính phủ Việt Nam và Bộ NN&PTNT cho phép làm công tác kiểm nghiệm và kiểm dịch và cung cấp tem xuất xứ này.

Hiện có 41 DN đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm để cung cấp lượng lớn tem cho XK.

Hiện tại, chúng ta bắt buộc phải áp dụng và chỉ có các công ty có các hợp đồng xác định rõ người mua, người bán mới làm được việc này. Còn đối với các lô hàng mà chưa có các đối tác mua, phải đưa hàng lên biên giới thì việc dán tem nhãn sẽ gặp khó khăn.

Để thực hiện truy xuất nguồn gốc được thuận lợi thì đăng ký mã số vùng trồng là hết sức quan trọng, công tác này đã được Bộ NN&PTNT triển khai như thế nào, thưa ông?

Ngay sau khi nhận được thông tin yêu cầu bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc đối với nông sản XK, ngày 23/5/2018, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước, các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo các địa phương, đơn vị gấp rút triển khai thống kê vùng trồng cây ăn quả, các cơ sở đóng gói quả tươi theo quy định của Trung Quốc (có kèm theo mẫu phụ lục). Trước mắt, tập trung thống kê thông tin của 8 loại quả tươi được Trung Quốc cho phép NK từ Việt Nam, gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) là đơn vị cập nhật thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tỉnh gửi sang Trung Quốc. Ngay sau khi được phía Trung Quốc chấp nhận, Cục sẽ cập nhật danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên website của Cục (www.ppd.gov.vn).

Tính đến thời điểm này, Cục Bảo vệ thực vật đã tổng hợp và được phía Trung Quốc chấp thuận đối với 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây đã được phép XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tại 42 tỉnh, thành trên cả nước cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành.

Bên cạnh những địa phương rất nỗ lực thống kê, đăng ký mã số vùng trồng thì cũng còn rất nhiều địa phương, lãnh đạo, ngành chức năng chưa thực sự quan tâm. Nếu các địa phương, DN và nông dân không đồng lòng thay đổi phương thức sản xuất, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường NK thì có thể con đường đưa nông sản Việt vươn xa sẽ rất khó khăn.

\"dan
TS. Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNT

Trung Quốc được đánh giá là thị trường dễ tính nhưng hiện đã không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản NK, mà còn tăng cường quản lí và siết chặt thương mại biên giới. Theo ông, nông sản Việt sẽ đối mặt với những khó khăn gì?

Nói thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính là không đúng. Tôi xác định thị trường Trung Quốc là thị trường luôn luôn yêu cầu chất lượng nông sản rất cao. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, những quy định về kiểm dịch động thực vật Trung Quốc chưa áp dụng một cách chặt chẽ. Gần đây, việc cải cách trong hệ thống bộ máy quản lý, trong đó có việc xáp nhập một số cơ quan Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm động thực vật (trước đây) vào Tổng cục Hải Quan Trung Quốc. Đây là bước cải tiến tạo thuận lợi hóa cho thương mại, trong đó có thương mại biên giới. Tuy nhiên, việc giám sát chất lượng phải tăng cường và đáp ứng các quy định của Trung Quốc.

Trước đây, chúng ta sử dụng các vật liệu như rơm để bao lót sản phẩm thì đây là mối nguy và có thể đem theo các mầm bệnh, nấm bệnh, côn trùng. Để giảm thiểu mối nguy này, Trung Quốc yêu cầu phải thay đổi vật liệu bao gói đảm bảo chất lượng và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm nấm bệnh vào sản phẩm của họ.

Về tiêu chuẩn, Trung Quốc yêu cầu rất chặt chẽ trong việc giám sát các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay cả các sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, người ta cũng áp dụng các quy định tương đương như những quy định cho con người. Bởi vì nó cũng có khả năng gián tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Liên quan đến thương mại biên giới, từ trước đến nay chúng ta vẫn chủ yếu XK theo con đường tiểu ngạch. Thậm chí kể cả các loại quả mà được phép XK chính ngạch thì chúng ta vẫn XK qua con đường thương mại biên giới, chúng ta chưa có các đối tác thương mại lớn, chưa có những nhà NK lớn, chính thống để ký kết các hợp đồng lớn, để cung cấp theo chu kỳ và định kỳ ổn định kỳ cho họ.

Ông có thể chia sẻ những giải pháp trọng tâm gì sẽ được Bộ NN&PTNT chú trọng để hỗ trợ DN đảm bảo chất lượng sản phẩm, chinh phục tốt hơn thị trường Trung Quốc?

Bộ NN&PTNT đã và đang đẩy mạnh giao lưu và làm việc với cơ quan Hải quan Trung Quốc để có thể đẩy mạnh việc XK nông sản, thúc đẩy mở cửa thêm cho nhiều loại rau, quả… Chúng tôi cũng đã đề nghị phía Trung Quốc sớm đánh giá rủi ro để Việt Nam có thể XK khoai lang, sầu riêng, bơ, bưởi… Danh mục các mặt hàng nông sản đã được Bộ gửi cho cơ quan hải quan phía Trung Quốc. Bộ cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể, quy định đối với các vùng trồng để đảm bảo về chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, đây là tem truy xuất nguồn gốc chứ không phải là tem hàng hóa, nhãn hàng hóa. Khi quét mã QR Code trên tem thì nhà nhập khẩu và các cơ quan chức năng của Trung Quốc có thể biết được những thông tin về xuất xứ, hình ảnh vùng trồng, bản đồ điện tử, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu… - đều là thông tin của Việt Nam.
Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận