Bộ Công Thương điều hành linh hoạt nối lại chuỗi sản xuất và đảm bảo cung- cầu hàng hóa |
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của ngành Công Thương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế?
Trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 thời gian qua ở nước ta, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc, trong đó có ngành Công Thương. Ngành Công Thương đóng góp trong việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài việc chống đỡ với Covid-19, thì ngành Công Thương, cũng như cả nước, phải đối mặt với một “cuộc chiến” rất khó khăn, trong khi năng lực của từng doanh nghiệp cũng khác nhau, kéo theo tính chủ động và khả năng tự điều chỉnh của từng doanh nghiệp cũng khác nhau. Trong hoàn cảnh đó, ngành Công Thương đã kịp thời đề xuất và thực thi rất nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương |
Theo tôi, vừa qua, ngành Công Thương đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, không cứng nhắc. Bên cạnh các giải pháp thống nhất chỉ đạo chung, Bộ Công Thương đã khuyến khích tính chủ động và sáng tạo của từng doanh nghiệp trong đại dịch.
Doanh nghiệp ở nước ta cũng có nhiều loại hình và lĩnh vực, như: khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…
Do từng loại doanh nghiệp khác nhau cũng có năng lực khác nhau, cho nên chúng ta phải chú trọng giải phóng được năng lực ấy để chủ doanh nghiệp chủ động, tránh tâm lý ỷ lại, vì “cuộc chiến” phòng chống dịch bệnh vẫn còn kéo dài.
Muốn vậy cơ chế, chính sách phải toàn diện và đủ để giải phóng được năng lượng ấy. Tôi cho rằng, Bộ Công Thương cũng đã làm được việc này. Minh chứng, trong 9 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng trưởng và phát triển.
Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt 483 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng đạt trên 240 tỷ USD, cả năm ước tăng khoảng 10,7%.
Covid-19 đã tác động ở tầm vĩ mô đến chuỗi cung ứng sản xuất và liên kết, bởi nếu chuỗi cung ứng bị gãy, bị cắt khúc, phân đoạn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức độ toàn quốc. Cũng có những giải pháp với sự đóng góp của nhiều ngành và những giải pháp khác nhau để tránh đứt đoạn chuỗi cung ứng sản xuất và liên kết này. Trong đó, có vai trò quan trọng của Bộ Công Thương trong điều hành cung - cầu và Bộ đã hết sức cố gắng đảm bảo chuỗi cung ứng ở nhiều cấp độ khác nhau, để làm sao không bị mất nhà đầu tư, bạn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như không làm mất cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư lớn,…
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, rất cần sự vào cuộc tiếp tục của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên.
Sau một thời gian hoạt động sản xuất bị đình trệ do tác động của Covid 19, hiện nay khi đã trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quay trở lại sản xuất, ông có đề xuất gì về phía Bộ Công Thương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp?
Theo tôi, các gói hỗ trợ vẫn trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” và “tiền bao nhiêu cũng không đủ”, đặc biệt những khó khăn huy động ngân sách trong đại dịch. Do vậy, như đã nói trên, các chính sách của Nhà nước và của Bộ Công Thương làm sao phải khuyến khích, giải phóng được năng lực của doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động hơn, lo lắng hơn, tính trách nhiệm cao hơn đối với sự phát triển và phục hồi kinh tế, hoạt động của chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo tôi cũng phải phân loại các loại hình doanh nghiệp có những nhu cầu khác nhau và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để tiếp sức, xúc tác cho doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh, phục hồi sản xuất.
Tôi được biết, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chủ lực để thường xuyên nắm bắt tình hình, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất cũng như lắng nghe các đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết hoặc phối hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Trên cơ sở nắm bắt chặt chẽ tình hình của các doanh nghiệp, các ngành sản xuất trong dịch bệnh, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như gửi các Bộ, ngành đề xuất các giải pháp và phối hợp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thưa ông, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có phải là một “cánh cửa mở ra cơ hội” cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, để họ tận dụng những thuận lợi từ các thị trường giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa?
Ngay cả khi không có các hiệp định trên thì cơ hội và nhiệm vụ duy trì thị trường, các thị phần xuất khẩu ở các nước, đặc biệt là những nước mang tính chất chính bạn hàng truyền thống chúng ta vẫn phải làm, còn việc chúng ta khai thác thêm những thị trường mới, thậm chí cả nội địa, đó là chức năng của doanh nghiệp, của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận, việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới sẽ có tác động lớn và lâu dài đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.
Các hiệp định này không chỉ mở ra các cơ hội thương mại tiềm tàng với các nền kinh tế phát triển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường thương mại và đầu tư của nước ta. Đó chính là giá trị quan trọng nhất mà các hiệp định này đóng góp vào thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển lâu dài của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!