Cước vận tải chậm giảm theo giá xăng

Trước đây, khi giá xăng dầu tăng, ngay lập tức, giá hàng hóa cho đến cước vận tải đều tăng theo. Thế nhưng, hiện nay, giá xăng dầu giảm sâu, cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí không giảm.
\"\"

Chiều 18/2, giá xăng RON 92 đã giảm gần 1.000 đồng, còn 13.750 đồng/lít và cũng là lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm 2016 giá xăng giảm. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm tổng cộng 2.650 đồng/lít. Mặc dù giá xăng giảm mạnh nhưng cước vận tải tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước không giảm hoặc giảm nhỏ giọt, gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Là doanh nghiệp thường xuyên sử dụng dịch vụ vận tải từ Long Thành (Đồng Nai) đến cảng Cát Lái, ông Hoàng Đình Quân - Giám đốc Doanh nghiệp thủ công Mỹ nghệ Minh Quân (Đồng Nai) - cho biết: Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu giảm liên tiếp nhưng doanh nghiệp vận tải không rõ ràng trong tính phí. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Kính - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hà – cho hay: Cước vận tải vẫn theo hợp đồng ký kết giữa năm 2015 (xăng khoảng 20 nghìn đồng/lít). Nay, xăng giảm giá nhưng cước vận tải hầu như không giảm, chỉ có một doanh nghiệp giảm 5 - 7%.

Theo Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP. Hồ Chí Minh, giá cước vận tải không giảm hoặc giảm rất chậm là điều không bình thường bởi chi phí xăng dầu chiếm 25 - 30% phí vận tải. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu doanh nghiệp chưa giảm giá cước báo cáo lý do. Qua đó, có biện pháp điều hành, xử lý hiệu quả.

Đối với doanh nghiệp vận tải, họ cho rằng, giảm giá cước không chỉ phụ thuộc vào giá xăng mà còn các chi phí khác. Theo ông Nguyễn Quốc Chính - Phó giám đốc Công ty Vận tải Bắc - Nam, không ít doanh nghiệp vận tải phải co cụm, cắt giảm sản lượng do hoạt động kinh doanh khó khăn. Giảm cước sẽ làm doanh nghiệp càng thêm khó. Ông Nguyễn Ngọc Thi - đại diện Công ty Taxi Vinasun - cho hay, doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất muốn điều chỉnh giá cước phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, chi phí vận hành của doanh nghiệp không giảm. Đối với Công ty Vinasun, giá xăng giảm, phần lợi thuộc về tài xế vì công ty có chính sách khoán xăng. Doanh nghiệp không được hưởng lợi.     

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, từ chiều 22/2, DN vận tải taxi, hành khách tuyến cố định phải kê khai, tính toán giảm giá cước theo giá xăng dầu. Trong tháng 2/2016, phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên cả nước.

P.V
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận