Là doanh nghiệp chuyên sản xuất ván ghép thanh, ván sàn, sản phẩm nội thất phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, những năm qua Công ty Cổ phần Chế biến lâm sản Quảng Ninh đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như cho ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao.
![]() |
Máy bào gỗ tốc độ cao mới được công ty đầu tư |
Năm 2013, Sở Công Thương Quảng Ninh đã hỗ trợ công ty đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ ván ghép thanh xuất khẩu với tổng giá trị đầu tư gần 10 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ Bộ Công Thương là 250 triệu đồng. Dây chuyền có công suất 2.000m3 sản phẩm/năm bao gồm: Hệ thống nồi hơi, hệ thống lò sấy, máy phay mộng Finger..
Ông Phí Bằng Vang - Tổng giám đốc công ty - cho biết, việc đổi mới công nghệ đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt lò sấy với công nghệ mới của Nhật Bản không những giúp tiết kiệm năng lượng mà còn nâng cao năng suất. Trước kia hệ thống lò sấy công nghệ cũ chỉ sấy được 300m3/mẻ nay tăng lên 1.000m3/mẻ. Đồng thời, năm 2018 công ty tiếp tục đầu tư 2 máy bào tự động tốc độ cao với tổng số tiền 2,6 tỷ đồng. Máy bào mới đã giúp năng suất ở khâu bào lên 4 - 5 lần so với máy bào cũ, từ 8 - 12m gỗ bào/phút nay tăng lên 35 - 40m gỗ bào/phút.
Được biết, hiện công ty đang từng bước cải tiến hệ thống thiết bị, máy móc, chuyển hệ thống sản xuất từ bán tự động sang tự động hoàn toàn, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn người lao động... Đây là những động thái nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn để đủ điều kiện vươn ra thị trường châu Âu.
Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên theo ông Phí Bằng Vang, hiện nay đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền ghép thanh tự động cùng một số thiết bị làm cửa với tổng mức đầu tư khoảng 4 - 5 tỷ đồng nhằm giúp hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên không chỉ gặp khó khăn về vốn đầu tư mà chúng tôi cũng gặp khó khăn về thị trường đầu ra. Đây cũng là thách thức không nhỏ cho công ty khi quyết định đầu tư đổi mới công nghệ" - ông Vang chia sẻ.
Trên thực tế không chỉ Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản Quảng Ninh quan tâm đến đổi mới công nghệ mà đây cũng là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ của Quảng Ninh cũng như trên khắp cả nước đang đẩy mạnh triển khai.
Theo ông Phạm Quang Thái - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, những năm gần đây, việc đưa khoa học công nghệ vào để nâng cao chất lượng sản phẩm đã được các doanh nghiệp chế biến lâm sản ở Quảng Ninh hết sức quan tâm. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm, thủy sản, trong đó nhấn mạnh đến việc đầu tư phát triển các cơ sở chế biến. "Thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa" – ông Thái nói.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì việc đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại là yêu cầu thiết yếu để các doanh nghiệp sản xuất và chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. |