Công nghệ là đòn bẩy phát triển báo chí bền vững

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài, giúp cho báo chí thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn,  nhưng báo chí phải thay đổi, phải tự mình “đốt đuốc tìm đường”, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác.

Tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 13/11, các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các nhà mạng viễn thông đã trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ phát triển ngành báo chí, truyền thông Việt Nam. Sự kiện này cũng chính thức khởi động chương trình thực hiện sáng kiến “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024”. Đây sẽ là dự án triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của báo chí.

cong nghe la don bay phat trien bao chi ben vung
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, báo chí tất yếu phải bắt kịp công nghệ để có thể tồn tại và phát triển

Nhắc đến ý kiến của một chuyên gia cho rằng: Facebook đã trở thành tòa soạn quyền lực và giàu có nhất trong lịch sử, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra vấn đề: Liệu công nghệ có lấy đi nghề báo không? “Có thể, nếu chúng ta nghĩ nghề báo là viết về “ai? làm gì? khi nào? ở đâu?”, vì mạng xã hội với hàng chục triệu cộng tác viên sẽ làm việc này tốt hơn. Nhưng nếu chúng ta xác định báo chí là định hướng dư luận, là tìm ra cái gì đứng sau cả núi dữ liệu “ai? làm gì? khi nào? ở đâu?” thì sứ mạng của báo chí mới có ý nghĩa, độc giả đang chìm trong biển cả dữ liệu kia mới mong chờ báo chí” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Thời đại kỹ thuật số tạo cơ hội cho báo chí tiếp cận kho dữ liệu quan trọng dẫn đến những phóng sự điều tra mang tính đột phá, tạo ra khả năng tiếp cận tri thức và nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Vì vậy, báo chí phải tự chuyển mình để bắt kịp với công nghệ, tận dụng công nghệ tạo ra lợi thế cho mình.

Công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới. Bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới có những biến động mạnh như hiện nay đang đặt báo chí trước bài toán khắc nghiệt về tồn tại và phát triển. Vì thế quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho rằng: báo chí đang đứng trước thời cơ vô cùng lớn, khi báo chí đầu tư vào công nghệ nội dung sẽ tạo cơ hội giành lại thế trận.

Ông chỉ rõ: trí tuệ nhân tạo cung cấp khả năng có nhiều dịch vụ tin tức dành cho cá nhân hơn, cách mới để khám phá những câu chuyện cũng như đóng gói và phân phối nội dung hiệu quả hơn, Blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu liên kết với nhau bằng mã hóa) sẽ mở ra các hình thức thanh toán và xác minh mới, trong khi trợ lý giọng nói có thể trở thành một cổng thông tin mới để truy cập phương tiện truyền thông. Trong bối cảnh đó, báo chí cần phải rõ ràng hơn bao giờ hết khi đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của các cơ quan, tổ chức. Báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực độc đáo của mình với làn sóng công nghệ mới này để tối đa hóa tiềm năng sẵn có, tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn hơn để có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Việc chuyển đổi số báo chí cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ viễn thông. Hiện nay Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin mà còn có thể phát triển các nền tảng, các ứng dụng cho báo chí, điển hình như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn công nghệ CMC, Công ty Yeah1…

Các doanh nghiệp viễn thông vừa qua đã có sự hỗ trợ rất thiết thực với báo chí, về kết nối và lưu trữ, chia sẻ dữ liệu cho báo chí điện tử. Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam chung tay hỗ trợ báo chí nước nhà.

cong nghe la don bay phat trien bao chi ben vung
Lễ ký kết Dự án Phát triển báo chí Việt Nam là chương trình hành động của Bộ TT&TT nhằm khởi động cho những sáng kiến mới phát triển báo chí Việt Nam

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024 được thực hiện giữa Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) và Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk. Các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam.

Nguyễn Mai
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận