Cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc xác định “nút thắt” của mỗi ngành

Tại phiên thảo luận trực tuyến sáng 30/10 về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tập trung xác định "nút thắt" của nền kinh tế, của ngành, của địa phương mình, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, khả thi để khơi thông, tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững.

Khơi thông, tạo động lực cho các ngành, các địa phương

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa những "nút thắt" thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc nhưng không giải tỏa được các điểm nghẽn. Cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc xác định đâu là những nút thắt của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn.

Đại biểu đề cập đến báo cáo 424 của Chính phủ về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế nêu khá rõ ràng, chi tiết, rộng và sâu. Phần tổ chức thực hiện cũng nêu rõ căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng những chương trình hành động thực hiện nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, hoàn thành trước tháng 12/2021.

Về hướng tiếp cận, theo đại biểu nên được quan tâm thực hiện đó là tập trung xác định "nút thắt" của nền kinh tế, của ngành, của địa phương mình, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, khả thi để khơi thông, tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững. “Nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì sẽ tìm và tháo gỡ được những hạn chế và tạo ra những thay đổi mang tính đột phá. Đó là một phương thức nhằm cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất”- đại biểu Trần Hữu Hậu bày tỏ quan điểm.

Để nâng cao chất lượng dự báo để có kịch bản ứng phó phù hợp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhất là những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, công tác dự báo là hết sức quan trọng, trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung, cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn nữa đến công tác dự báo, đánh giá tình hình để đề ra hướng đi, chiến lược đúng, chủ động ứng phó được với những tác động tiêu cực, các diễn biến phức tạp về kinh tế ở khu vực và trong nước cũng như chủ động, nắm bắt, tận dụng được tốt các cơ hội cho phát triển.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng cho rằng, cần xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước có giới hạn. Những cơ chế, chính sách đột phá đó cần được xây dựng dựa trên tiềm năng, lợi thế để tạo đà phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực hay các địa phương, vùng miền, đặc biệt là tài nguyên để phát triển năng lượng tái tạo. “Đây là nguồn tài nguyên vô hạn và có giá trị vô cùng to lớn nếu chúng ta có cơ chế phát triển đột phá nhằm thu hút đầu tư, khai thác tối đa nguồn tài nguyên này để phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế của đất nước”- đại biểu nhấn mạnh.

Ưu tiên phân bổ nguồn lực giải quyết những nội dung trụ cột, dẫn dắt

Cũng tạo phiên thảo luận, đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cho biết, thời gian qua đối diện với những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đất nước ta phải trải qua những khó khăn, thách thức không chỉ là "kép" mà đa chiều với những tác động qua lại, khó khăn, vướng mắc.

đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang)
Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang)

Nhận định những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, để sớm ổn định kinh tế, xã hội, đại biểu đề xuất một số nội dung cần quan tâm tổ chức thực hiện kế hoạch thời gian tới: Cụ thể, trong bối cảnh khó khăn toàn diện, cần tập trung ưu tiên phân bổ nguồn lực giải quyết những nội dung trụ cột, dẫn dắt phát triển cũng như an sinh xã hội quan trọng. Các nhiệm vụ ít cấp thiết nên xem xét, xử lý sau. Quan điểm lựa chọn ưu tiên là cần sự đồng thuận, chia sẻ của cả hệ thống chính trị và người dân để đoàn kết, đồng lòng thực hiện hiệu quả. Trong việc áp dụng chính sách tài khóa, tiền tệ cần hoạch định mục tiêu dài hạn, linh hoạt trong ngắn hạn, có khả năng áp dụng trong thực tế.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu vận hành. Thực tế cho thấy chương trình đào tạo, thi tuyển đầu vào… yêu cầu kiến thức rộng, đào tạo nguồn nhân lực chung nhưng chưa có định hướng cụ thể cho yêu cầu của nền kinh tế số; trình độ hiểu biết, ứng dụng những thành tựu công nghệ mới của xã hội còn hạn chế. “Theo đó, cần thiết phải triển khai các giải pháp đào tạo, cập nhật kiến thức kỹ năng cho nguồn nhân lực để các bên tương tác, kết nối, phát triển kinh tế số đồng bộ. Đồng thời, sớm có kế hoạch giải quyết hậu quả của lao động dôi dư do sự phát triển của nền kinh tế số. Biến động cơ cấu lao động của nước ta sẽ rất khác biệt, nếu không chủ động kế hoạch giải quyết sớm sẽ xuất hiện các hệ quả tiêu cực trong thời gian tới”- đại biểu Lê Minh Nam đề xuất.

Ngoài ra, vị đại biểu này cũng nêu nêu bật vấn đề đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện trong phạm vi toàn quốc. Đại biểu chỉ ra, từ ý kiến cử tri và tìm hiểu thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại Hậu Giang và Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy đây là khu vực có đóng góp rất quan trọng nhưng hiện tại phải chịu những tác động về thực trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu. Đặc biệt là hệ lụy của việc sử dụng quá mức nguồn nước đầu nguồn sông Mekong, đã làm sụt giảm nghiêm trọng độ màu mỡ của vùng đồng bằng này… “Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư, phòng ngừa, hạn chế tác động bất ngờ, đồng thời xây dựng các giải pháp chủ động chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; dự báo, cảnh cáo sớm nhằm lựa chiều hướng tự nhiên để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, kho bãi, bảo quản để thúc đẩy tiêu thụ nông sản và phát huy được hiệu quả liên kết vùng…”- đại biểu Lê Minh Nam đề nghị.

Lan Anh- Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận